Lâm Đồng chỉ đạo lập hồ sơ công nhận Đà Lạt là 'thành phố di sản'

Đà Lạt đề xuất các công trình điểm nhấn của trục di sản Đông - Tây gồm: Ga đường sắt, khu Dinh I, Dinh II, UBND tỉnh, khách sạn Sofitel Palace, cụm biệt thự dọc trục di sản, nhà thờ chính tòa Đà Lạt.

Ga đường sắt Đà Lạt do hai kiến trúc sư người Pháp Moncet và Reveron thiết kế. Hình dáng nhà ga tượng trưng cho núi Langbiang. Cùng với Ga Hải Phòng, Ga Đà Lạt là nhà ga cổ lâu đời nhất ở Đông Dương. Ảnh: Giang Huy

Ngày 4.4, nguồn tin của Người Đô Thị cho biết UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi UBND thành phố Đà Lạt truyền đạt thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo kết luận số 479-TB/TU ngày 28.3 về việc nghiên cứu, đề xuất công nhận thành phố Đà Lạt trở thành thành phố di sản.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND thành phố Đà Lạt phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án, hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục có liên quan để đề xuất công nhận thành phố Đà Lạt trở thành thành phố di sản; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Trong diễn biến khác liên quan đến di sản, UBND thành phố Đà Lạt cũng vừa có Tờ trình ngày 28.3 gửi Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề nghị thẩm định, phê duyệt đồ án thiết kế đô thị trục di sản Đông - Tây thành phố Đà Lạt - tỷ lệ 1/500.

Đồ họa trục di sản Đông - Tây thành phố Đà Lạt

Tờ trình cho biết khu vực thiết kế đô thị là một chuỗi các tuyến phố đặc trưng nằm trong quy hoạch chung 704 (Quyết định số 704 ngày 12.5.2014 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 - PV), với tên gọi là “trục di sản”, có mục tiêu định hình một không gian trục phố kế thừa và phát triển nét đặc trưng từ các đồ án quy hoạch trước, từ những kiến trúc có giá trị gắn với cảnh quan được xây dựng trong các giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển của thành phố.

Từ đó định hướng cho việc gìn giữ, bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo và xây dựng mới các công trình, hợp thành một “trục di sản” với không gian đô thị đậm chất văn hóa - kiến trúc - cảnh quan.

Đơn vị tư vấn đã căn cứ hướng dẫn thiết kế đô thị về các công trình điểm nhấn theo quy hoạch chung 704, trong phạm vi đồ án bao gồm các công trình như: Ga đường sắt, khu Dinh I, Dinh II, UBND tỉnh, Khách sạn Sofitel Palace, cụm biệt thự dọc trục di sản, Nhà thờ chính tòa Đà Lạt. Nhiều công trình điểm nhấn mang dấu ấn lịch sử đã được cân nhắc, nghiên cứu lựa chọn đảm bảo tuân thủ quy hoạch chung 704…

Dinh I được xây dựng vào năm 1940 trên một ngọn đồi, độ cao 1550m có rừng thông bao quanh thuộc tuyến đường Trần Quang Diệu, phường 10, thành phố Đà Lạt. Ảnh: Anh Tuấn

Dinh II tọa lạc trên đồi thông thuộc tuyến đường Trần Hưng Đạo, phường 10, thành phố Đà Lạt, xây dựng từ những năm 1933. Ảnh: Mrhome

Cũng theo Tờ trình, thiết kế đô thị tạo nên một chuỗi tổng thể kiến trúc cảnh quan cho trục di sản Đông - Tây với tính chất sinh động, hiện đại ở phần trung tâm và thoáng đãng, yên bình dần về hai phía Đông và Tây.

Không gian cảnh quan cây xanh, mặt nước được kết nối liên tục dọc theo các trục cảnh quan, mang các mảng xanh đến gần nhau, từ rừng thông đến công viên, đến cây xanh công trình tạo nên một hệ thống không gian mở tương ứng với mạng lưới đi bộ rộng khắp.

Thông qua các công trình kiến trúc, cây xanh mặt nước, không gian đường phố, hệ thống cảnh quan trục di sản Đông - Tây được thiết kế tạo nên các khu vực đặc trưng, nhấn mạnh sự đa dạng của đô thị, ghi khắc tiến trình phát triển của thành phố.

Qua đó thúc đẩy phát triển các hoạt động tương ứng gồm hoạt động ở, thương mại dịch vụ du lịch, dã ngoại, vui chơi, giao lưu… làm tăng hiệu quả sử dụng không gian, tăng tính kết nối cộng đồng và phát triển nền kinh tế du lịch của thành phố.

Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt được nhiều người quen gọi là Nhà thờ con Gà vì trên đỉnh cao nhất của công trình có tượng một con gà bằng đồng cao 66 cm. Theo kinh Tân Ước, đây là biểu tượng cho sự sám hối. Ảnh: Phong Vinh

“Thiết kế đô thị trục di sản Đông - Tây tạo điều kiện và cơ sở chung cho các biện pháp bảo tồn di sản, trên quan điểm bảo tồn các giá trị vật chất lẫn tinh thần, từ cục bộ công trình đến các không gian ảnh hưởng và liên kết, tạo nên hệ thống không gian đô thị đặc sắc thuộc khu trung tâm lịch sử của thành phố.

Từ đó tăng hiệu quả khai thác di sản và phát triển du lịch, cũng như tạo khung định hướng bảo tồn khu vực trên tiến trình phát triển thành phố trong tương lai”, Tờ trình kết luận.

Hữu Đức - Phạm Tuấn

GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính:

Đà Lạt đang có nguy cơ trở thành thành phố có di sản đô thị

Trong bài viết đã đăng trên Người Đô Thị, GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính (nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; chuyên gia hàng đầu về bảo tồn, trùng tu di tích, nghiên cứu di sản kiến trúc đô thị và lý luận kiến trúc...) từng cảnh báo:

“Đà Lạt sẽ giống như các thành phố Hà Nội (có di sản phố cổ), thành phố Hải Phòng (có khu phố Pháp), TP.HCM (có khu Chợ Lớn) v.v… Trong các đô thị ở Việt Nam, chỉ có Huế và Đà Lạt có đủ cơ sở để được mệnh danh là đô thị - di sản. Có thể, Huế có triển vọng giữ được cái vị trí độc hiếm ấy.

Đà Lạt đứng trước nguy cơ nhãn tiền trở thành đô thị có di sản đô thị (urban heritage, chứ không phải city-heritage) bởi nó đang phát triển nhanh và mạnh để trở thành một thành phố - trung tâm của cả tỉnh và thậm chí, của cả khu vực. Thành phố hiện đại: đa chức năng, quy mô, hạ tầng, dân số, kiến trúc đồ sộ và hiện đại v.v…

Thành phố cũ, có vốn liếng – di sản, chỉ còn lại có thế, không nhân lên, chỉ tàn tạ và tàn phai đi. Thành phố mới, nhu cầu mới, sức sống mới, đầu tư lớn, dứt khoát chỉ mở mang, chỉ bành trướng ra, áp đảo.

Một cuộc đọ sức sinh tử, phần thắng chắc chắn thuộc về thành phố hiện đại và có tương lai.

Với những gì nhận ra, quan sát thấy, đô thị - di sản chỉ có cơ may là di sản đô thị, có một không hai và vẫn có sức hút mãnh liệt. Hễ ta vẫn đủ tỉnh táo, đủ tầm nhìn, đủ kiên quyết và, cần hơn cả, sự ân cần! Với cả hai: di sản đô thị và di sản thiên nhiên (đô thị hóa).

Tuy đã muộn, song cần thiết lập các chế độ bảo vệ cho từng khu vực và cho toàn bộ không gian đô thị Đà Lạt cũ, quy chế hóa việc giữ lại – cải tạo – sử dụng, giải tỏa những xây cất muộn làm biến dạng không gian cảnh quan vốn có, khôi phục và tươm tất hóa cảnh quan đô thị cũ. Bảo tồn kiến trúc cũ không theo đơn chiếc, mà trong phức hợp kiến trúc – cảnh quan chuyển hóa mềm. Bên cạnh nhà quản lý bảo tồn, nhà trùng tu, cần có thêm nhà chuyên môn về phong cảnh đô thị…”.

Xem thêm bài viết của GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính tại đây

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/lam-dong-chi-dao-lap-ho-socong-nhanda-lat-lathanh-pho-di-san-38988.html