Kỳ vọng vào năm học mới

Tiếng trống trường đã điểm. Năm học 2024 - 2025 đã chính thức bắt đầu. Một thời khắc mới lại đến với bao thầy, cô giáo và các thế hệ học trò. Hòa trong không khí náo nức cùng hàng triệu học sinh trên cả nước, sáng 5-9, hơn 290.000 học sinh của 521 trường học trên địa bàn tỉnh đã bước vào năm học mới - một năm học đặc biệt, đánh dấu giai đoạn mới của công cuộc đổi mới giáo dục.

Năm học 2024 - 2025 là năm học đầu tiên thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12. Đây cũng là năm học đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT, công tác tuyển sinh đại học được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Cùng với đó là việc ban hành kế hoạch hành động của ngành GD-ĐT nhằm triển khai chương trình hành động của Chính phủ và trình Quốc hội dự án Luật Nhà giáo; rà soát Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý cho tiếp tục thực hiện đổi mới GD-ĐT để bước vào chặng đổi mới theo chiều sâu chất lượng. Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành GD-ĐT là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.

Xác định đây là năm học quan trọng, Bộ GD-ĐT đã có những chuẩn bị từ các năm học trước. Năm nay, kế hoạch thời gian năm học và các hướng dẫn năm học mới của từng cấp học được Bộ GD-ĐT ban hành từ sớm, trong đó đề cập cụ thể tới từng nhiệm vụ, công việc cần và phải làm... Tại Khánh Hòa, tỉnh cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả năm học. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD-ĐT tỉnh đã đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường với tổng kinh phí gần 675,4 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy gần 62 tỷ đồng. Thời gian tới, ngành sẽ đầu tư mua sắm trang thiết bị cấp THPT phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với kinh phí dự kiến hơn 140 tỷ đồng; sẽ khai trương Trung tâm Điều hành về GD-ĐT tỉnh. Đặc biệt, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh; sẽ miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ cấp mầm non đến THPT công lập trong toàn tỉnh trong năm học 2024 - 2025 (thời gian thực hiện 9 tháng). Để giải quyết bài toán thiếu nhân lực trầm trọng trong ngành GD-ĐT, Sở GD-ĐT và các địa phương đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh có văn bản báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đề xuất cho phép tạm giao số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp GD-ĐT năm học 2024 - 2025 trong khi chờ Ban Tổ chức Trung ương quyết định giao biên chế năm 2024 - 2025 cho tỉnh Khánh Hòa. Việc tạm giao nhằm đảm bảo đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo tiêu chí “Có học sinh là có giáo viên”…

Với sự quan tâm lớn của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, ngành GD-ĐT toàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, đang ngày một đáp ứng tốt hơn trước những yêu cầu của quá trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018. Với phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm; Thầy cô giáo là động lực; Nhà trường làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền tảng”, chúng ta chào đón năm học 2024 - 2025 với nhiều nhiệm vụ và kỳ vọng lớn, quyết tâm cao nhất để hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ năm học. Từ đó, làm nền tảng cho một giai đoạn mới tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện nhưng đi vào chiều sâu chất lượng.

LÊ NGUYÊN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202409/ky-vong-vao-nam-hoc-moi-416164d/