Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp ý kiến vào Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 27/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến thảo luận tại Kỳ họp thứ 6. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, các nhà khoa học để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 147 điều (tăng 1 chương và tăng 11 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình) cùng 15 điểm mới.

Kết thúc phiên thảo luận ở hội trường đã có 55 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ý kiến, trong đó có 2 ý kiến tranh luận. Không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, các đại biểu phát biểu thẳng thắn, sâu sắc, cụ thể, thể hiện trí tuệ và trách nhiệm cao. Về cơ bản, các ĐBQH đánh giá cao và thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảoluật, đồng thời phân tích, làm rõ, góp ý thêm nhiều nội dung cụ thể, thiết thực. Trong đó tập trung vào các nội dung cụ thể như: làm rõ những tác động, ảnh hưởng của các chính sách mới; làm rõ quy định chuyển tiếp nhằm giải quyết các chế độ BHXH đối với chủ hộ kinh doanh; hỗ trợ cho nhóm đối tượng tham gia BHXH cả bắt buộc và tự nguyện; xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp; cần bổ sung lựa chọn về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai cho người lao động; bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng BHXH cho người lao động; nghiên cứu có chính sách hỗ trợ tín dụng lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật;…

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường về Luật BHXH (sửa đổi)

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường về Luật BHXH (sửa đổi)

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng dự thảo luật trình tại kỳ họp thứ 7 đã được tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung đầy đủ, chặt chẽ các điều khoản trong luật và cẩn trọng khi đưa ra những vấn đề mới phát sinh. Góp ý vào phương án rút BHXH 1 lần tại điểm đ, khoản 1, Điều 74, đại biểu nhất trí với phương án 1 với các lý do như dự thảo và báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu. Đại biểu cũng nhất trí với đề xuất cần có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng dành cho người lao động.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường về Luật BHXH (sửa đổi)

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường về Luật BHXH (sửa đổi)

Về một số điều khoản cụ thể, tại Khoản 12 Điều 4 phần giải thích từ ngữ có quy định “Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước, Quỹ BHXH”, đây là nội dung sẽ được sử dụng trong suốt quá trình thực hiện các chế độ đóng và hưởng BHXH khi thực hiện cải cách tiền lương. Vì vậy đại biểu cho rằng, việc thực hiện điều chỉnh với các tiêu chí như trên vẫn còn chung chung, đồng thời băn khoăn có ảnh hưởng đến mức đóng, hưởng của người lao động tại thời điểm trước, sau khi tăng hoặc giảm chỉ số giá tiêu dùng hay không. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng hoặc có giải trình rõ hơn.

Để bảo đảm tính khả thi của dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt cho Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được nhiều vị ĐBQH quan tâm.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu, gửi đến các cơ quan có liên quan và báo cáo lại các vị ĐBQH để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình một cách đầy đủ, thuyết phục.

Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thận trọng, cân nhắc và phối hợp với Chính phủ quyết định việc gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH để lựa chọn phương án, làm cơ sở tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật với trách nhiệm cao nhất và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong thời gian giữa hai đợt của Kỳ họp trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét.

THANH HUYỀN -VP.ĐOÀN ĐBQH&HĐND tỉnh

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-dong-gop-y-kien-vao-luat-bao-hiem-xa-hoi-sua-do-5009770.html