Kinh tế tập thể còn tiềm năng rất lớn
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho biết, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và thi hành Luật HTX năm 2012, trong 20 năm qua, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực đã đạt được một số thành tựu như: việc thống nhất nhận thức và quan điểm phát triển, tạo tâm lý xã hội thuận lợi cho KTTT, HTX phát triển đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Việc xác lập môi trường thể chế và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện; khu vực KTTT, HTX đã có bước phát triển mới về chất và lượng, đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai; vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, kết hợp với công tác phối hợp hiệu quả giữa UBMTTQVN các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, Liên minh HTX Việt Nam ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển KTTT.
Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm; khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, như: tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT còn thấp và tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra; công tác nghiên cứu lý luận về HTX chưa có hệ thống, chưa có các tổ chức nghiên cứu, giảng dạy chuyên sâu về HTX; chưa đưa nội dung phát triển KTTT vào giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề như yêu cầu của Nghị quyết; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KTTT vẫn chưa đạt yêu cầu; khung khổ pháp luật, chính sách về HTX còn nhiều rào cản đối với sự phát triển đối với HTX, chưa bao quát được sự phát triển sinh động của các loại hình kinh tế hợp tác ở nước ta...
Đại diện một số bộ, ngành TƯ như: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên - Môi trường, Công Thương, Liên minh HTX Việt Nam, các địa phương gồm: Sơn La, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Nam, TPHCM, Hà Nội, Sóc Trăng, các HTX Ái Nghĩa (Quảng Nam), Ngọc Hoàng (Sơn La), v.v... đã phát biểu tham luận tại Hội nghị để phân tích, đánh giá thêm những kết quả nổi bật sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Luật HTX năm 2012 cũng như bổ sung thêm những nguyên nhân khách quan và chủ quan về những hạn chế, tồn tại đối với hoạt động KTTT và HTX thời gian qua; đồng thời đề xuất các kiến nghị, giải pháp để thành phần kinh tế này phát triển phù hợp với tình hình mới, khởi sắc hơn trong thời gian đến.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định KTTT mà nòng cốt là HTX, là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và khuyến khích phát triển; đồng thời nhấn mạnh sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, KTTT bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực, phát triển về lượng lẫn chất và khẳng định được tiềm năng phát triển còn rất lớn. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW và Luật HTX năm 2012 trong thời gian tới, để KTTT nói chung, HTX nói riêng, đặc biệt là HTX nông nghiệp khai thác hết tiềm năng phát triển trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và trong bối cảnh kinh tế đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần thống nhất tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về KTTT; hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về KTTT; huy động, tăng cường nguồn lực cho phát triển KTTT; đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về KTTT, xóa bỏ các rào cản cản trở các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển; nâng cao năng lực nội tại và hiệu quả hoạt động của KTTT; phát triển kinh tế tập thể theo hướng sáng tạo, khoa học, công nghệ số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu, có mô hình quản trị KTTT và kinh tế HTX tiên tiến, kết hợp với mô hình phát triển truyền thống và phù hợp với tình hình phát triển trong nước, quốc tế trong thời kỳ mới; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các sản phẩm của KTTT, các HTX, v.v… Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia khu vực KTTT, HTX; tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi, xây dựng quy hoạch phát triển dựa trên thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương. Đối với pháp luật về HTX cần sửa đổi, bổ sung, thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển KTTT, HTX ở nước ta trong thời gian tới nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của HTX do Liên minh HTX Quốc tế (ICA) đưa ra trong thế kỷ 21…
Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trao các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Luật Hợp tác xã năm 2012.
PHÚ NAM
Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 274 tổ hợp tác, trong đó, có 61 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp (chiếm 22,27%), 213 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 77,73%); tổng số thành viên tổ hợp tác là 2.159 thành viên; tổng nguồn vốn kinh doanh của các tổ hợp tác là 40,025 tỷ đồng; tổng giá trị tài sản của các tổ hợp tác là 46,492 tỷ đồng. Về HTX, có 131 HTX và 2 liên hiệp HTX, trong đó có 8 HTX và 1 liên hiệp HTX mới thành lập; tổng số vốn điều lệ của các HTX là 300 tỷ đồng, thu hút 9.451 thành viên, giải quyết việc làm cho 14.892 lao động…
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_256797_kinh-te-tap-the-con-tiem-nang-rat-lon.aspx