Kiên trì mục tiêu tăng 5% dự toán thu ngân sách

Ngày 12-7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết trực tuyến ngành Tài chính năm 2019 nhằm đánh giá tình hình thực hiện tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2019.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo hội nghị. Về phía Bộ Tài chính có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã báo cáo về công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Tài chính đã chủ động đề xuất, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN đã đề ra; điều hành quyết liệt thu, chi, bảo đảm giữ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép; góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019.

Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo đó, đến hết tháng 6-2019, tổng thu NSNN đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó: Thu nội địa đạt 51,1% dự toán, tăng 13,6%; thu dầu thô đạt 68% dự toán, bằng 100,7% so với cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) đạt 59,8% dự toán, tăng 13,7% so cùng kỳ năm 2018.

Cả thu ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều đạt khá; trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 51,5% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 46,7%), mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu ngân sách địa phương đạt 54,3% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 54%), với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.

Về chi NSNN, 6 tháng đầu năm đạt 666,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2018. Công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, theo đúng dự toán. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, ngân sách Trung ương đã sử dụng dự phòng khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng, để hỗ trợ một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ và phòng chống dịch, dập dịch tả lợn Châu Phi; đã xuất cấp 59,1 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ cho nhân dân và học sinh vùng khó khăn.

Cân đối NSNN 6 tháng đầu năm được bảo đảm; đã phát hành 112,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của ngân sách Trung ương theo dự toán (trong đó đã trả nợ gốc tiền vay là 104 nghìn tỷ đồng) và nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (7 nghìn tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 13,46 năm, lãi suất bình quân 4,86%/năm.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động không thuận đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị đã được Đảng và Nhà nước giao, những tháng còn lại của năm 2019, Bộ Tài chính tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, nhất là trong các lĩnh vực thuế, tài chính doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, đổi mới đơn vị sự nghiệp công; thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hóa, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp; tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2019; quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định; tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công...

Ghi nhận sự cố gắng của các bộ, ngành, các địa phương, cũng như của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính trong 6 tháng qua, song Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ những khó khăn hiện tại của ngành và cần giải quyết trong thời gian tới; trong đó có vấn đề giải ngân, cổ phần hóa tuy có thực chất và hiệu quả nhưng vẫn còn chậm...

Quang cảnh hội nghị.

Phó thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới thay đổi nhanh, phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,6-6,8% theo Quốc hội giao, nhằm phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị ngành Tài chính cần tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, về thu ngân sách nhà nước, Phó thủ tướng đề nghị cần rà soát lại tỷ lệ động viên theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, phải có đường hướng điều chỉnh chính sách thu, một mặt nuôi dưỡng nguồn thu, mặt khác phải tăng tỉ lệ điều tiết trên một số lĩnh vực, tinh thần chúng ta phải nuôi dưỡng nguồn thu, nhưng vừa phải chặt chẽ, vừa thông thoáng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nếu sản xuất không phải triển thì không có gì để thu, phải tạo động lực tăng trưởng để có nguồn thu. Trước mắt Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội Nghị quyết về các giải pháp hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh cá thể để khuyến khích chuyển lên thành doanh nghiệp; tăng cường về quản lý thuế, nhất là thuế điện tử, áp dụng hóa đơn điện tử ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn để quản lý nguồn thu.

“Nhiệm vụ của Bộ Tài chính là thu NSNN phải kiên trì tăng khoảng 5% dự toán thu NSNN, nhưng không thể để cho địa phương nào giảm, tất cả các địa phương phải hoàn thành dự toán thu NSNN, đây là nhiệm vụ sống còn với Bộ Tài chính mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Phó thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính cần tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương về ngân sách tài chính, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm bội chi ngân sách trong phạm vi Quốc hội cho phép; rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo đúng quy định.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, thời gian tới, Bộ Tài chính cần tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương về ngân sách tài chính, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm bội chi ngân sách trong phạm vi Quốc hội cho phép; rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo đúng quy định; triển khai thực hiện tốt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và toàn xã hội; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Cùng với đó là tăng cường kiểm soát tạm nhập tái xuất, thu hút FDI một cách chọn lọc, đấu tranh quyết liệt đầu tư chui, núp bóng, bảo vệ môi trường; tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá cả, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước, dự báo sát cung - cầu, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng do thiên tai...

Tin, ảnh: PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/kien-tri-muc-tieu-tang-5-du-toan-thu-ngan-sach-582238