Kiến nghị bỏ mua sổ khám bệnh giấy

Cử tri tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Y tế bỏ mua sổ khám bệnh bằng giấy bởi hiện nay bệnh viện đã công nghệ hóa, in bằng máy tính hết.

Gửi ý kiến tới Bộ Y tế sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Đồng Nai phản ánh mỗi khi đi khám chữa bệnh tại bệnh viện đều phải mua một cuốn sổ khám bệnh mới "rất lãng phí", trong khi khám bác sĩ không ghi vào sổ mà sẽ in đơn thuốc, chỉ định ra từ máy tính. Do đó, cử tri kiến nghị Bộ Y tế bỏ thủ tục này bởi hiện bệnh viện đã công nghệ hóa, in ra bằng máy tính.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tháng 5, Bộ đã ban hành Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VneID. Vào tháng 9, Bộ ban hành hướng dẫn thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID và các văn bản liên quan khác để chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai.

Sổ sức khỏe điện tử VNeID được sử dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân, cả loại hình khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú, khám chữa bệnh từ xa.

Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, UBND TP Hà Nội và các đơn vị thí điểm Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID tại Hà Nội. Bộ Y tế đang triển khai tại 8 tỉnh, thành. Bộ dự kiến tổ chức Hội nghị triển khai Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID toàn quốc trong tháng 10. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện quy định để bỏ sổ khám bệnh, thay bằng Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID.

Hiện vẫn còn nhiều bệnh viện yêu cầu bệnh nhân mua quyển sổ khám chữa bệnh bằng giấy. (Ảnh minh họa: NL)

Hiện vẫn còn nhiều bệnh viện yêu cầu bệnh nhân mua quyển sổ khám chữa bệnh bằng giấy. (Ảnh minh họa: NL)

Tại Hội nghị công bố, triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VneID, chiều 2/10, đại điện Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp báo cáo, đến nay các đơn vị đã phối hợp tạo lập được 32.062.931 dữ liệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân, trong đó 14.638.905 công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.

Bộ Công an phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế tạo lập được 911.696 dữ liệu về giấy chuyển tuyến, 2.629.117 dữ liệu về giấy hẹn khám lại trên VNeID.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, thực hiện quy định của Bộ Y tế về định dạng dữ liệu phục vụ việc quản lý, giám định thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, đến nay đơn vị là một trong những bệnh viện trên toàn quốc hoàn thành chuyển đổi 99% dữ liệu đầu ra.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, trong tháng 8/2024, Bệnh viện Bạch Mai triển khai thí điểm bệnh án điện tử trước khi triển khai rộng rãi. Việc triển khai bệnh án điện tử giúp liên thông thông tin của người bệnh đến tất cả các bộ phận liên quan trong các khoa, phòng. Bác sĩ dễ dàng theo dõi được diễn biến, quá trình điều trị của người bệnh. Bệnh nhân cũng đọc và biết được quá trình điều trị của mình.

Từ ngày 8/7, bệnh viện này quyết định bỏ giấy chỉ định, tương lai tiến tới bỏ in phim chụp chiếu các loại, sử dụng bằng cách đọc trên phần mềm. Việc bỏ in giấy sẽ tiết kiệm được ngân sách chi cho giấy, mực và nhân lực vận hành. Đặc biệt, tiết kiệm quan trọng nữa là giảm thời gian chờ của bệnh nhân và giảm nhân lực phục vụ.

Bệnh án điện tử là mắt xích cốt lõi trong chuyển đổi số, giúp bệnh viện quản lý minh bạch, khai thác dữ liệu và phục vụ nghiên cứu khoa học hiệu quả hơn, song đến nay việc chuyển đổi rất chậm.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam có gần 1.500 bệnh viện công lập, hơn 300 bệnh viện tư nhân, gần 70.000 phòng khám tư. Song, đến đầu tháng 4/2024, cả nước mới có khoảng 70 cơ sở y tế gồm công lập và tư nhân chuyển bệnh án giấy sang bệnh án điện tử.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/kien-nghi-bo-mua-so-kham-benh-giay-ar899676.html