Khơi thông thể chế, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 23.5 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nếu khơi thông được nguồn lực về thể chế; giải quyết được những vướng mắc liên quan đến thị trường, thực hiện tốt giải ngân đầu tư công... chắc chắn sẽ tạo đột phá, động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Kiên định với 3 mục tiêu đột phá

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, với sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện và có những dấu hiệu tăng trưởng rõ rệt. Theo đó, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, chúng ta vẫn cơ bản giữ được ổn định về kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và bảo đảm được những cân đối lớn. Ngoài động lực tăng trưởng truyền thống thì một số yếu tố mới đã bắt đầu hình thành và có những dấu hiệu chuyển động rõ nét hơn, nhất là tăng trưởng từ kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Điều đó thể hiện cho việc thúc đẩy chuyển đổi xanh bắt đầu rõ nét hơn.

Đồng thời, tập trung động lực thúc đẩy nông nghiệp nông thôn, trong đó có xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, cả nước có khoảng 78% số xã đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, vấn đề phát triển đô thị cũng bảo đảm được tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, tốc độ đô thị hóa phấn đấu đạt khoảng 45%.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu. Ảnh Khánh Duy

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu. Ảnh Khánh Duy

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, tiếp tục ưu tiên, tập trung rất cao, kiên trì, kiên định với 3 mục tiêu đột phá. Trước hết, là ưu tiên quyết liệt, đồng bộ cho xây dựng hoàn thiện thể chế. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã ban hành 32 luật, bám sát quan điểm tập trung cho phân cấp, phân quyền, nâng cao chất lượng hiệu quả để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong tình hình mới.

Thứ hai, Chính phủ đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, rà soát toàn bộ hệ thống thể chế thuộc thẩm quyền. Đến nay, đã hoàn thành các nghị định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho phát triển.

Thứ ba, tập trung ưu tiên nguồn lực tối đa cho các công trình trọng điểm. Nhờ đó, cả nước đã có khoảng gần 2.000km đường cao tốc, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000km đường cao tốc. Đặc biệt, tất cả các công trình trọng điểm Quốc gia sẽ hoàn thành trước khi diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Cũng theo Bộ trưởng, thời gian qua, lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc tổ chức thành công lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo ra khí thế hào hùng về truyền thống lịch sử và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân Việt Nam, cũng như bạn bè quốc tế.

Đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, nếu khơi thông được nguồn lực về hệ thống thể chế; giải quyết được những vướng mắc, nhất là về thị trường đất đai, chắc chắn tình hình kinh tế - xã hội sẽ phát triển tốt hơn. Mặt khác, nếu thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và khơi thông nguồn lực cho sự phát triển.

Một số địa phương chưa quyết tâm trong sắp xếp đơn vị hành chính

Liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây là vấn đề rất lớn được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết năm 2024, chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Các địa phương trong cả nước cũng rất nỗ lực, quyết liệt để triển khai nội dung này.

Theo Bộ trưởng, một trong những thuận lợi nhất là Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã bao trùm và gần như giải quyết hết các nội dung liên quan đến vướng mắc khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính của giai đoạn trước. Từ đó, các bộ, ngành đã tập trung ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để giải quyết khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, nhiều địa phương đã năng động, chủ động ban hành các chỉ thị, nghị quyết để chung tay giải quyết những vấn đề có liên quan.

Đến thời điểm này, có 54/63 đơn vị hành chính cấp huyện, xã nằm trong diện phải sáp nhập. Trong đó, từ 49 đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay dự kiến sau sắp xếp sẽ giảm 12 -13 đơn vị; số đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sẽ giảm còn 624 đơn vị từ 1.247 thuộc diện sắp xếp. Hiện, các địa phương đang rất tích cực thực hiện và đã có 10 địa phương trình đề án lên Bộ Nội vụ để tổ chức thẩm định, sau đó trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết thực hiện. Tiêu biểu là Nam Định - địa phương tiên phong đi đầu, được Chính phủ đánh giá rất cao về quyết tâm sắp xếp các đơn vị hành chính. Tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách thuận lợi nhằm giải quyết vấn đề cán bộ, công chức, tài sản dôi dư. Dự kiến, tỉnh Nam Định sẽ giảm được khoảng 50 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.

Bộ trưởng cũng cho biết, một số địa phương có dấu hiệu chần chừ, chậm chạp, chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện. Đơn cử, như: chưa ban hành chỉ thị hoặc những văn bản chỉ đạo căn cơ, khoa học chặt chẽ về mặt chính trị, thể hiện quyết tâm; trình tự thủ tục triển khai còn chậm. Bên cạnh đó, một số địa phương chỉ dựa trên cơ sở là những cơ chế, chính sách của Trung ương, không có nghị quyết riêng căn cứ trên điều kiện thực tiễn để giải quyết tình trạng dôi dư đang gặp phải.

Nỗ lực hoàn thành việc sáp nhập trước 30.9

Đến thời điểm này, tài sản, trụ sở dôi dư của giai đoạn sắp xếp trước còn rất lớn (khoảng 50%). Mặc dù vậy, việc xử lý đối với cán bộ, công chức dôi dư thì cơ bản đã triệt để (chỉ còn lại khoảng 8%). Trong giai đoạn 2023 - 2025, số lượng tài sản, tài chính dôi dư phải sắp xếp so với giai đoạn trước là rất lớn; số cán bộ công chức, cán bộ không chuyên trách còn dôi dư dự kiến lên đến 21.700 người. Nếu không có giải pháp căn cơ thì sẽ rất khó khăn trong thực hiện sắp xếp.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh Khánh Duy

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh Khánh Duy

Nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo của Trung ương và các địa phương về sắp xếp đơn vị hành chính sẽ cố gắng phối hợp chặt chẽ để xây dựng đề án giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn chia sẻ, thực tế triển khai, thực hiện cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đánh giá; đặc biệt, là quy hoạch đô thị và phân loại đơn vị hành chính đô thị sau sắp xếp. Vấn đề này đang được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tháo gỡ.

Không còn việc thi viên chức và thăng hạng viên chức

Về tình trạng cán bộ công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm né tránh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, các văn bản đã ban hành rất đầy đủ. Đối với các nghị định của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tổ chức rà soát. Trong đó, sửa đổi những nghị định liên quan đến vấn đề quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ công chức. Đặc biệt, đã cắt giảm toàn bộ vấn đề liên quan đến Thủ tục hành chính trong vấn đề tuyển dụng, nhất là với viên chức. Không còn việc thi viên chức và thăng hạng viên chức để tập trung cho việc xét tuyển viên chức và xét thăng hạng.

Đối với ý kiến của đại biểu về khó khăn trong tuyển dụng viên chức ở khu vực vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: Các cơ chế chính sách đối với viên chức ở khu vực này rất được ưu tiên. Tuy nhiên, việc đào tạo, dự báo cho tuyển dụng còn đang gặp khó do một phần nguyên nhân từ sự chi phối của thị trường. Bộ trưởng kiến nghị, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục có cơ chế chính sách mạnh hơn cho tuyển dụng viên chức vùng sâu, vùng xa và cử tuyển là một chính sách rất cần quan tâm...

Trần Tâm - Khánh Duy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/-khoi-thong-the-che-tao-dong-luc-thuc-day-tang-truong--i372637/