Khi thực phẩm 'bẩn' len lỏi vào thị trường
Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn như giá đỗ ngâm, tưới hóa chất, sữa giả, thuốc giả... với số lượng lớn. Điều này cho thấy, tình trạng lợi dụng sơ hở để tuồn thực phẩm 'bẩn' ra thị trường đang là vấn đề hết sức đáng báo động. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bên cạnh siết chặt kiểm soát và chế tài xử phạt nghiêm khắc, rất cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ việc
Người dân chưa hết bàng hoàng, bức xúc vì thông tin sữa giả, thuốc giả thì thông tin đường dây sản xuất hàng ngàn tấn giá đỗ ngâm, tưới hóa chất vừa được Công an tỉnh Nghệ An triệt phá. Theo đó, ngày 20/4/2025, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng về hành vi “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”. 4 đối tượng gồm: Lưu Mạnh Hưởng (sinh năm 1993), Lưu Văn Trung (sinh năm 1997), cùng trú tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Trần Khắc Duy (sinh năm 1990) và Nguyễn Văn Hướng (sinh năm 1998), cùng trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Hàng ngàn lu chứa giá đỗ ngâm hóa chất của 4 cơ sở sản xuất vừa bị Công an tỉnh Nghệ An triệt phá.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An phát hiện một số cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đường dây này do một số đối tượng ngoại tỉnh cấu kết với đối tượng trên địa bàn sản xuất giá đỗ sử dụng hóa chất nhằm tăng sản lượng, thu lợi nhuận cao hơn bình thường.
Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 11/4, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu chủ trì, phối hợp với công an các phường Trung Đô, Vinh Tân, Nghi Phú (TP Vinh) và Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An), Phòng 3, VKSND tỉnh Nghệ An đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Vinh.
Tang vật thu giữ gồm gần 2.000 lu chứa giá đỗ các loại có tổng khối lượng khoảng 25 tấn giá đỗ, 25 lít dung dịch hóa chất “nước kẹo” (tên khoa học là chất 6-Benzylaminopurine - 6-BAP) nguyên chất và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ cùng một số tang vật liên quan khác. Quá trình điều tra mở rộng chuyên án, CQĐT làm rõ: Để giá đỗ to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt, bán thu lợi nhuận cao hơn, từ năm 2024 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã sản xuất và bán ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm có sử dụng “nước kẹo” ngâm, tưới giá đỗ.

Để tăng sản lượng, giá đỗ to, mập và đẹp mắt hơn, các đối tượng đã sử dụng “nước kẹo” để tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất.
Theo cơ quan chức năng, hóa chất 6-Benzylaminopurine mà các đối tượng sử dụng tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu con người tiếp xúc hoặc ăn phải sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng như: ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa (gây tổn thương thực quản, niêm mạc dạ dày và dẫn đến buồn nôn), ảnh hưởng hô hấp (gây khó thở, tổn thương phổi, viêm phổi, làm tăng nặng các bệnh về phổi, phế quản, thậm chí xơ phổi)...
Để đấu tranh, triệt xóa đường dây sản xuất giá đỗ sử dụng hóa chất nhằm tăng sản lượng, thu lợi nhuận cao hơn bình thường do các đối tượng ngoại tỉnh cấu kết với đối tượng trên địa bàn để hoạt động này, ban chuyên án gặp rất nhiều khó khăn. Để qua mắt lực lượng chức năng, tuồn ra thị trường, các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Các đối tượng chọn địa điểm, khu vực xa khu dân cư, nơi ít người qua lại; che chắn kín mít bằng các vật liệu như bạt, tôn, lưới... để người bên ngoài khó tiếp cận; hoạt động chủ yếu vào ban đêm hoặc rạng sáng.
Tại Cơ quan công an, bước đầu 4 đối tượng khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Theo đó, để rút ngắn thời gian sinh trưởng và kéo dài thời gian bảo quản, giúp sản lượng giá đỗ cao hơn thông thường (giá đỗ to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt hơn), thu lợi nhuận cao hơn, các đối tượng này đã sử dụng “nước kẹo” là chất 6-Benzylaminopurine (6-BAP) để tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất. Từ năm 2024 đến nay, các đối tượng đã sử dụng “nước kẹo” để sản xuất giá đỗ, bán ra thị trường với tổng khối lượng hơn 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm. Trung bình mỗi ngày, mỗi cơ sở sản xuất khoảng 3-5 tấn giá đỗ, sau đó bán cho các tiểu thương tại các chợ đầu mối trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh phụ cận với giá 10.000-15.000 đồng/kg.
Đáng nói, các đối tượng Lưu Mạnh Hưởng, Lưu Văn Trung, Trần Khắc Duy và Nguyễn Văn Hướng nhận thức được việc sử dụng hóa chất 6-Benzyl aminopurine để sản xuất giá đỗ là sai, vi phạm pháp luật, song do hám lời nên vẫn tiếp tục sử dụng hóa chất nêu trên để sản xuất, nuôi trồng giá đỗ. “Nước kẹo” này được các đối tượng đặt mua từ một người đàn ông (không rõ lai lịch, địa chỉ) thông qua mạng xã hội.
Đây không phải là lần đầu tiên, cơ quan chức năng phát hiện giá đỗ bị ngâm tẩm hóa chất này. Cuối năm 2024, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”. Trước đó, kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng đã dùng hóa chất để ngâm, tưới giá đỗ. Thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an thu giữ hơn 20 tấn giá đỗ đã ngâm “nước kẹo”. Ngoài ra còn có 37 can nhựa với 135 lít hoạt chất 6-Benzylaminopurine. Kết quả điều tra làm rõ, trong năm 2024, nhóm đối tượng trên đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày 8-10 tấn.

Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả quy mô lớn với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh... Qua khám xét, lực lượng Công an đã thu giữ 21 loại tân dược, thuốc chữa xương khớp giả; ngoài ra, còn thu giữ nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thuốc giả. Tổng khối lượng tân dược giả và nguyên liệu để làm tân dược giả là gần 10 tấn.
Trước đó, một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận vừa bị các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện, triệt phá.
CQĐT đã tiến hành khởi tố và bắt tạm giam 8 bị can về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. 2 bị can được xác định cầm đầu đường dây này là Vũ Mạnh Cường (sinh năm 1979) và Hoàng Mạnh Hà (sinh năm 1979) - chủ 2 Công ty Rance Pharma và Hacofood Group. Đến khi bị phát hiện, bắt giữ, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Theo kết quả điều tra của Cơ quan công an, trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ nhiều loại sữa ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Dư luận càng bức xúc hơn khi những hộp sữa giả này với giá thành khá cao, dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Tuy nhiên, trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này.
Cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị
Đã có nhiều sự việc dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra liên quan đến thực phẩm “bẩn”. Thực phẩm “bẩn” do bị tẩm hóa chất, làm giả... đang âm thầm hủy hoại sức khỏe của người tiêu dùng mỗi ngày, gây ra hàng loạt bệnh tật nguy hiểm như ung thư, ngộ độc, suy gan, suy thận... Không những vậy, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh còn làm suy giảm chất lượng giống nòi, ảnh hưởng lâu dài đến thế hệ tương lai. Đó là hồi chuông báo động trong cuộc chiến với thực phẩm “bẩn”, để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.

Các đối tượng Lưu Mạnh Hưởng, Lưu Văn Trung, Trần Khắc Duy và Nguyễn Văn Hướng tại Cơ quan Công an.
Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như duy trì sự công bằng trong kinh doanh, việc đấu tranh chống lại thực phẩm “bẩn”, hàng giả, hàng kém chất lượng cần phải được thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan chức năng nào, mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Vì kinh doanh thực phẩm “bẩn” mang lại lợi nhuận cao nên các đối tượng thường bất chấp quy định của pháp luật, đánh đổi sức khỏe của người dân để làm lợi cho bản thân. Vì thế, nếu chỉ xử phạt hành chính và yêu cầu hoàn thiện các thủ tục cấp phép kinh doanh... sẽ không thể chặn đứng các hành vi kinh doanh thực phẩm “bẩn”. Vì vậy, cần những chế tài nghiêm khắc hơn nữa để răn đe; những trường hợp vi phạm nhiều lần, số lượng lớn cần phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần đồng hành, hỗ trợ và khuyến khích các mô hình sản xuất thực phẩm sạch. Các doanh nghiệp chân chính cũng cần liên kết để tạo ra một thị trường lành mạnh, minh bạch. Đặc biệt, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc chọn mua, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Nên mua thực phẩm tại những cơ sở uy tín, có đầy đủ giấy phép kinh doanh, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiểm tra kỹ nguồn gốc, hạn sử dụng, bao bì sản phẩm, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm có dấu hiệu ôi, thiu, mốc, hỏng, không nhãn mác, trôi nổi trên thị trường. Khi phát hiện các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc, cần báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất để kịp thời xử lý.
Chỉ khi có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, từ sự vào cuộc quyết liệt từ cơ quan chức năng đến doanh nghiệp, người dân thì cuộc chiến chống hàng giả, thực phẩm “bẩn” mới thực sự hiệu quả. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và xây dựng một nền kinh tế bền vững, công bằng. Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất - vì sức khỏe của bạn, của tôi và của chúng ta.