Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, những ý kiến xác đáng, phù hợp với thực tiễn quản lý, kinh doanh xăng dầu sẽ được tiếp thu và thể hiện tốt nhất.
Chiều 2/10, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trao đổi, thống nhất để hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp đã nêu ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định được Bộ Công Thương xây dựng để thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện hành.
Kết luận Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo các đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan chức năng đã đến dự Hội nghị quan trọng này.
Dự thảo Nghị định không thể vượt được các quy định luật pháp hiện hành
Liên quan đến các ý kiến góp ý tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cam kết, với những ý kiến xác đáng, phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định của luật pháp hiện hành và phù hợp với thực tiễn trong công tác quản lý, kinh doanh xăng dầu của nước ta trong những năm qua, Bộ Công Thương cố gắng tiếp thu và sẽ thể hiện một cách tốt nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ, đứng ở góc độ ngành chủ trì, tham mưu, Bộ Công Thương phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, phải quán triệt thực hiện nghiêm những quan điểm, đường lối của Đảng. Ngoài ra, từ thực tiễn những bài học xương máu, kể cả thành công và chưa thành công để khái quát lên thành những quy định của pháp luật songcũng không thể vượt được các quy định luật pháp hiện hành.
Nhiều nội dung được phân tích, làm rõ
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, về cơ chế điều hành giá xăng dầu: Quan điểm là từng bước giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu để tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh. Tuy nhiên, giảm sự can thiệp chứ không phải là bỏ sự can thiệp. Bởi vì xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng chiến lược và nó có ý nghĩa quan trọng đến việc bảo đảm an ninh quốc gia. Cơ chế vận hành là cơ chế thị trường nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa và có sự quản lý của nhà nước. Cho nên với mặt hàng xăng dầu, từng bước mở ra thị trường nhưng cũng phải bảo đảm sự lãnh đạo, sự quản lý của nhà nước.
Với tinh thần như vậy, đa số đại biểu tại Hội nghị đồng tình là Nghị định đưa ra công thức bán giá xăng dầu để doanh nghiệp tự tính toán. Quy định nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát. Đồng thời, thống nhất bỏ giá trần.
Như vậy, sau này, tính theo công thức là doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với quyết định giá của mình, “lời ăn lỗ chịu”, bán rẻ thì có khách hàng, bán đắt thì không có khách hàng. Đây là một phép thử để tiến tới việc Nhà nước không cần phải công bố các yếu tố hình thành giá nữa và để doanh nghiệp hoàn toàn tự quyết định giá, kê khai, giống như tự kê khai thuế theo Luật thuế của pháp luật Việt Nam hiện nay.
“Tuy nhiên, có một số đại biểu cho rằng cần phải thả nổi, không công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự tính toán và quyết định thì chúng tôi ghi nhận ý kiến này, nghiên cứu kỹ lưỡng và trình Chính phủ cả hai phương án. Trong đó phương án 1 là phương án như dự thảo Nghị định. Còn phương án 2 là phương án mà các đại biểu vừa nêu. Chính phủ quyết định phương án nào thì chúng ta thực hiện phương án đó” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Về số ngày dự trữ lưu thông, cơ chế điều hành quản lý xăng dầu, các đại biểu thống nhất về cơ bản là như dự thảo. Dự trữ lưu thông khác với dự trữ quốc gia. Dự trữ lưu thông quy định hiện nay là chỉ có doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm dự trữ với khối lượng đảm bảo 20 ngày theo sản lượng bình quân tiêu thụ của doanh nghiệp, từ ngày thứ 21 trở đi thì nhà nước sẽ phải có cơ chế. Doanh nghiệp có trách nhiệm bảo đảm dự trữ 20 ngày, nếu không đảm bảo trong 20 ngày thì phải chịu trách nhiệm.
Về dữ liệu thì sẽ phải cập nhật và quản lý theo thời gian thực và sẵn sàng chia sẻ. Còn các thủ tục, trình tự như các đại biểu góp ý, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu và đưa vào Thông tư hướng dẫn. Đối với những gì cần phải ghi rõ thì phải làm rõ trong dự thảo Nghị định để tránh tranh cãi. Đặc biệt, phải cố gắng để Nghị định không được trái với các luật chuyên ngành có liên quan, đặc biệt là Luật Giá, liên quan đến Quỹ bình ổn xăng dầu.
Về xử lý số dư của Quỹ Bình ổn xăng dầu, theo phương án được nêu trong dự thảo nghị định, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, không thể tự ý chuyển về ngân sách nhà nước hay đi làm việc khác. Do đó, duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo Luật Giá. Trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá, trích từ ngân sách ra để bình ổn, để hỗ trợ. Còn trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp tự cân đối, mọi thứ vận hành theo thị trường.
“Tất cả những ý kiến khác, chúng tôi trân trọng tiếp thu và sẽ cố gắng thể hiện trong bản dự thảo Nghị định. Những ý kiến xác đáng, chúng tôi sẽ không bỏ qua” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ.