Huy động nguồn lực cho 'chuyển đổi kép'

Ngày 19-5, tại kỳ họp thứ 15, các đại biểu HĐND TPHCM khóa X đã biểu quyết thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (Đồ án). Chuyển đổi kép (xanh - số ) hiện diện xuyên suốt trong đồ án quy hoạch tổng thể này.

Trong Đồ án, dự báo quy mô dân số của TPHCM đến năm 2040 đạt 13 triệu người, năm 2050 đạt 14,5 triệu người và sẽ là 16 triệu người vào năm 2060. Chính sức nén đô thị này, đi cùng nó là tầng lớp trung lưu sẽ định hình và ngày càng gia tăng tốc độ phát triển. Internet phổ trên diện rộng (toàn thành phố ) và vào chuyên sâu (các ngành kinh tế chủ lực).

Trong quá trình “giải nén” đô thị, sức hút thị trường (lao động) và môi trường (sáng tạo) của một siêu đô thị có độ mở cao như TPHCM sẽ tiếp tục là điểm đến, là “vùng đất hứa” của giới trẻ có sức tiếp cận công nghệ số sớm, mới và nhạy. Chưa kể trình độ học vấn, đào tạo nghề nghiệp của người dân, người lao động ngày một tăng, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo là 85,2%, lao động có trình độ đại học trở lên là 18,8%, cao hơn cả nước (cả nước 10,6%), năng suất lao động cao gấp 2,6 toàn quốc. Công nghệ số sẽ đi sâu vào đời sống, môi trường làm việc, dần hình thành một “tập tính số” trong cư dân siêu đô thị này.

Trong khi đó, ở mảng Xanh, thành phố đã có bước chuyển vừa “thuận thiên” vừa “hợp thời”. Sông Sài Gòn trong mạng lưới phát triển hạ tầng - giao thông - văn hóa, kết nối hệ sông rạch nội thành - liên vùng trong Đồ án quy hoạch là một ví dụ sinh động của tính đột phá cho sự chuyển đổi. Hoặc trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, TPHCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030; Phát triển hệ thống giao thông công cộng chuyên chở lớn, hệ thống Metro, thúc đẩy giảm phương tiện di chuyển dựa trên nhiên liệu hóa thạch. Vấn đề còn lại là huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Điều quan trọng cần được “đả thông” trước tiên, xuyên suốt và nhất quán là nguồn lực ấy không chỉ có nguồn vốn mà còn đa dạng ở nhiều hình thức khác, trong đó bên cạnh tài lực, còn là nguồn nhân lực và sự hợp lực, kết nối.

Rõ ràng, TPHCM đã đi đúng hướng, gặp trúng đối tác, tối ưu hóa tập trung các ngành - nghề và nguồn nhân lực đạt điều kiện cần và đủ. Điển hình là tháng 1-2024, thành phố tổ chức kêu gọi đầu tư cho 28 dự án trong chương trình tăng trưởng xanh với tổng số vốn gần 160.000 tỷ đồng; xác lập mục tiêu đưa Khu công nghệ cao của TPHCM trở thành khu công nghệ cao phát thải ròng bằng 0 (Net-zero) đầu tiên của cả nước. Một trong những hỗ trợ quan trọng, thiết thực là trong chuyến thăm của Thủ tướng Albanese vào tháng 6-2023, Australia tuyên bố hỗ trợ 105 triệu AUD (đô la Australia) cho Việt Nam dành cho hợp tác về cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Australia còn tăng thêm 2,5% ODA cho Việt Nam trong năm tài khóa 2023-2024. Không những thế, Chính phủ Australia, thông qua Ngân hàng Thế giới đã tài trợ TPHCM xây dựng Chiến lược quản trị dữ liệu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tạo nền móng quá trình chuyển đổi số của thành phố.

Như vậy, cần các cơ chế đa dạng để nguồn nhân lực, tài lực và hợp lực từ sự kết nối có thể phát huy hiệu năng ở những khía cạnh khác nhau. Các hình thức đầu tư công, đầu tư tư, hợp tác công tư trong các lĩnh vực, thu hút nguồn lực mới từ trái phiếu xanh, tín dụng xanh, thị trường carbon, khai thác nguồn lực từ dữ liệu… là các đầu bài cần phải có những lời giải cụ thể để hiện thực hóa những nội dung của bản đồ án quy hoạch.

NGUYỄN QUÂN CÁT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/huy-dong-nguon-luc-cho-chuyen-doi-kep-post740830.html