Hướng về công nhân, người lao động

Thời gian gần đây, nhiều công nhân, lao động nghèo ở TP Hồ Chí Minh bị giảm giờ làm, mất việc làm, do không ít doanh nghiệp vẫn còn đối diện với khó khăn, thiếu đơn đặt hàng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao... Thiết thực chăm lo đời sống công nhân, người lao động (NLĐ), các tổ chức công đoàn TP Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với các ban, ngành tổ chức liên tục nhiều phong trào, mô hình ý nghĩa.

Mới đây, các tổ chức công đoàn cơ sở ở quận Phú Nhuận phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Chương trình “Điểm bán hàng bình ổn giá”, “San sẻ yêu thương cho gia đình hoàn cảnh khó khăn”. Đến mua hàng bình ổn giá, chị Bùi Thị Nghĩa, ở phường 9, quận Phú Nhuận, cho biết: "Hàng hóa ở đây có chủng loại đa dạng, chất lượng tốt, giá ưu đãi và khuyến mãi". Tại chương trình, các đơn vị đã trao hơn 100 suất quà tặng công nhân, NLĐ khó khăn trên địa bàn.

Tại quận Gò Vấp, Liên đoàn Lao động quận phối hợp với một số đơn vị, công ty tổ chức “Ngày hội vì sức khỏe NLĐ”. Theo đó, các đơn vị đã khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 500 đoàn viên công đoàn, công nhân, lao động nghèo và trao 500 phiếu mua hàng phúc lợi (70.000 đồng/phiếu), cùng 70 phần quà, 5 sổ tiết kiệm (10 triệu đồng/sổ) tặng đoàn viên công đoàn bị bệnh hiểm nghèo, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

Ở huyện Bình Chánh, các tổ chức công đoàn triển khai Chương trình “Ngày hội nữ công nhân”, “Gian hàng trao yêu thương”... Tại các chương trình, tổ chức công đoàn đã phối hợp trao hơn 600 phần quà tặng công nhân khó khăn với tổng trị giá hơn 400 triệu đồng.

Người lao động nghèo mua hàng tại “Siêu thị 0 đồng” ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

Chăm lo đời sống công nhân, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn là nhiệm vụ quan trọng luôn được Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố xây dựng những cơ chế, chính sách và giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm huy động được nhiều nguồn lực xã hội. Từ những chương trình làm điểm, các tổ chức công đoàn đã phối hợp xây dựng, nhân rộng hiệu quả nhiều mô hình như: “Tuần lễ bán hàng giảm giá cho công nhân”, “Phiên chợ công nhân”, “Phúc lợi cho đoàn viên, lao động”, “Siêu thị 0 đồng”; “Ngày hội việc làm”, “Diễn đàn công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”....

Các phong trào, chương trình tập trung huy động nhiều nguồn lực chăm lo đời sống, tạo việc làm và hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công nhân, NLĐ; bảo đảm nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các địa phương đến làm việc ở thành phố. Các chương trình đã góp phần tạo môi trường gắn kết giữa công nhân với tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng công nhân nghỉ việc, "nhảy" việc. Trong 8 tháng năm 2023, TP Hồ Chí Minh đã ban hành các quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 93.800 lao động. Từ tháng 5-2023 đến nay, các tổ chức công đoàn thành phố phối hợp vận động chăm lo cho công nhân, NLĐ nghèo với tổng trị giá hơn 30 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 120.000 lượt người.

Bài và ảnh: DUY NGUYỄN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/huong-ve-cong-nhan-nguoi-lao-dong-743366