Hành trình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Ngày 6/12/2012, tại Paris (Pháp), Kỳ họp thứ 7 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được xướng danh trước gần 200 quốc gia và các tổ chức quốc tế, nhận được sự đồng thuận tuyệt đối và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là thành quả của sự đoàn kết, sức mạnh trí tuệ tập thể cùng sự đồng lòng đưa tín ngưỡng linh thiêng của dân tộc bước ra thế giới.
Là người nặng lòng với quê hương và dành trọn tâm huyết nghiên cứu lịch sử, ông Nguyễn Tiến Khôi- Nguyên Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (giai đoạn 2005 - 2011) vẫn còn nhớ rõ sự kiện trong tiến trình vinh quang đó. Nguyện ước đề cử Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là quyết tâm cao của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Phú Thọ. Sau nhiều công trình nghiên cứu và hội thảo, trải qua quá trình lựa chọn khắt khe, công phu và kỹ lưỡng, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc loại hình di sản văn hóa phi vật thể - tập quán xã hội đã được Bộ VH-TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình hồ sơ vào tháng 3/2011.
Quá trình làm hồ sơ, ngay cả khi đã đề cử Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về sự biến đổi của tập quán này trong đời sống đương đại. Song tỉnh Phú Thọ và các nhà khóa học đã làm rõ lịch sử di sản và chứng minh được rằng, nước ta từ thế kỷ XIII - XIV (thời Lý - Trần), đặc biệt, thời kỳ nhà Nguyễn (thế kỷ XIX- XX) đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, duy trì một số tập quán thiêng liêng gắn với truyền thuyết về nguồn gốc, tổ tông của dân tộc Việt Nam.
Trong câu chuyện của mình, ông Khôi nhắc lại những băn khoăn, lo lắng của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ năm đó. “Sự khác biệt về địa - chính trị, lịch sử văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc là điều khiến mọi thành viên trong Ban Chỉ đạo lo lắng. Tôi cùng với các nhà nghiên cứu đã đến các nước có nét tương đồng với Việt Nam về văn hóa thờ cúng tổ tiên như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để tìm hiểu, so sánh, đánh giá, củng cố luận chứng thuyết phục” - Ông Khôi chia sẻ.
Bằng quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, trách nhiệm và tâm huyết của các nhà khoa học, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân, tập thể đã xây dựng bộ hồ sơ khoa học chặt chẽ, sâu sắc, có sức thuyết phục cao đối với các chuyên gia thẩm định quốc tế. Hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ không chỉ đáp ứng được cả 5 tiêu chí của một di sản văn hóa phi vật thể thế giới quy định tại Công ước 2003, mà còn được chuyên gia quốc tế đánh giá cao. Tiêu biểu nhất kể đến giá trị: “Việc ghi danh thờ cúng Hùng Vương góp phần vào việc nhận diện các hình thức thờ cúng tổ tiên đang được thực hành ở nhiều nước khác và khuyến khích các cộng đồng nhận thức được sự tương đồng, đồng thời nâng cao sự tôn trọng đa dạng văn hóa”.
Bên thềm hội nghị, đồng chí Hoàng Dân Mạc - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ (khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh) đã khẳng định khi trả lời phỏng vấn báo chí: “Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng to lớn về lịch sử, văn hóa và tâm linh bởi lẽ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ ngàn đời nay là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển”.
Trải qua chặng đường 12 năm, lời hứa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, để di sản mãi trường tồn, xứng tầm là di sản văn hóa đại diện nhân loại mà các thế hệ lãnh đạo tỉnh thay mặt cộng đồng, Quốc gia bày tỏ tri ân với tổ tiên và cam kết với cộng đồng quốc tế đã và đang được thực hiện một cách nghiêm túc. Bên cạnh việc quan tâm đầu tư, xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất tạo thuận lợi cho đồng bào, du khách hành hương về nguồn cội song vẫn giữ nguyên không gian thờ cúng thiêng liêng của các Vua Hùng, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi với nhiều chính sách hỗ trợ bảo tồn tín ngưỡng: Đầu tư, nghiên cứu, sưu tầm các truyền thuyết, nghi lễ, diễn xướng dân gian liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương qua các đề tài khoa học; lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm được tiến hành trang nghiêm, thành kính; người dân ở các địa phương có di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời kỳ Hùng Vương tự nguyện tổ chức tế lễ, dâng hương tri ân. Cộng đồng được đề cao là chủ thể sáng tạo, có vai trò cốt lõi trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Hiện nay, toàn tỉnh có 345 di tích thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời kỳ Hùng Vương.
Trong hoạt động giáo dục thế hệ trẻ, 100% các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện mô hình “Trường học gắn với di sản”. Cùng với Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được biên soạn đưa vào chương trình giáo dục địa phương của tỉnh theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2021 - 2022. Các tiết học giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của di sản quê hương, biết vận dụng những kiến thức đã học để chung tay bảo vệ những giá trị văn hóa quý báu đó.
Dự án tu bổ, tôn tạo hạ tầng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (giai đoạn 2021- 2023) có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng được triển khai với nhiều hạng mục cũng góp phần bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của Khu di tích, phục vụ đồng bào, nhân dân trong và ngoài nước về tham quan, dâng hương tri ân công đức tổ tiên.
Cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương- một tập quán xã hội, nghi lễ, lễ hội đã tồn tại hàng nghìn năm không tránh khỏi những thách thức trước sự phát triển của xã hội hiện đại, thế nhưng người dân Phú Thọ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, với truyền thuyết anh em chung cha mẹ, sinh ra từ bọc trăm trứng nguyện đoàn kết một lòng chung tay gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xứng tầm Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.