Hàn Quốc nói cần sở hữu vũ khí hạt nhân

Một loạt những động thái cứng rắn, 'ăn miếng, trả miếng' gần đây giữa Triều Tiên và Hàn Quốc khiến tình hình trên Bán đảo Triều Tiên nóng hơn bao giờ hết.

Quan hệ liên Triều đang rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại, nguy cơ bùng phát xung đột toàn diện ngày càng trở nên hiện hữu.

Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đặc biệt xấu đi nhanh chóng sau khi Triều Tiên sửa đổi hiến pháp, lần đầu tiên gọi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”. Cùng với đó là việc nước này cho nổ tung các tuyến đường bộ và đường sắt kết nối với Hàn Quốc, vốn từng được coi là biểu tượng chính của sự hòa giải liên Triều.

Chưa hết cuộc chạy đua vũ trang, bao gồm cả tên lửa và hạt nhân đang khiến an ninh trên Bán đảo Triều Tiên trở nên rất khó đoán định. Trong thời gian qua, Triều Tiên liên tục thực hiện các vụ thử vũ khí tên lửa, còn Hàn Quốc tăng cường tiềm lực quân sự, củng cố liên minh với Mỹ thông qua thực hiện các biện pháp răn đe mở rộng.

Khói bốc lên sau khi Triều Tiên cho nổ các đoạn đường liên Triều ở biên giời hai nước. Ảnh: Reuters

Khói bốc lên sau khi Triều Tiên cho nổ các đoạn đường liên Triều ở biên giời hai nước. Ảnh: Reuters

Nguy cơ xung đột tiếp tục bị đẩy lên đỉnh điểm khi Triều Tiên cảnh báo về một cuộc tấn công bằng pháo binh quy mô lớn nhằm trả đũa việc “thiết bị bay không người lái của Hàn Quốc” đã xâm nhập vào Bình Nhưỡng.

Ông Yang Moo-jin, hiệu trưởng Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul cho biết: “Theo quan điểm của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Triều Tiên đã đưa ra cảnh báo và nhiều lần ám chỉ nhiều hành động tiếp theo liên quan đến vụ việc thiết bị bay không người lái gần đây ở Bình Nhưỡng. Và có lẽ, ông ấy không thể trì hoãn hành động này vô thời hạn”.

Về phía Hàn Quốc, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon đã lên án "những mối đe dọa không thể chấp nhận" đối với khu vực thuộc sự quản lý của ông, ám chỉ bình luận gần đây của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Oh Se-hoon cho rằng, sẽ là "bất cân xứng” nếu Triều Tiên thực hiện "hành động khiêu khích", vì nước này sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi Hàn Quốc thì không. Đó là lý do tại sao Hàn Quốc phải khẩn trương tăng cường năng lực răn đe hạt nhân.

Thị trưởng Seoul lên tiếng ủng hộ Hàn Quốc sở hữu kho vũ khí hạt nhân song Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lưu ý rằng, nước này không tìm cách tạo ra vũ khí hạt nhân của riêng mình, đồng thời nhắc lại lời cam kết tăng gấp đôi nỗ lực hoàn thiện chiến lược răn đe hạt nhân với Mỹ - quốc gia cung cấp cho Seoul “chiếc ô hạt nhân” kể từ những năm 1950.

Chứng kiến những diễn biến căng thẳng gần đây trên Bán đảo Triều Tiên, Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc mới đây thông báo về việc thành lập nhóm làm việc đa quốc gia gồm 11 nước chịu trách nhiệm giám sát các lệnh trừng phạt Triều Tiên. Tuy nhiên, KCNA hôm qua đưa tin, Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui ngay lập tức chỉ trích mạnh mẽ việc thành lập nhóm giám sát này là “hoàn toàn trái pháp luật và không chính đáng”. Nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên còn lớn tiếng cảnh báo, các thế lực tham gia vào chiến dịch bôi nhọ Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt.

Trên thực tế, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đã diễn ra trong thời gian dài. Nhiều chuyên gia tin rằng, bất chấp việc Triều Tiên theo đuổi chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” song không nhiều khả năng nước này sẽ tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn vào Hàn Quốc, vì điều này sẽ dẫn đến sự trả đũa mạnh mẽ từ lực lượng liên minh Mỹ - Hàn Quốc.

Nhìn từ tình hình hiện tại, giới quan sát dự đoán trong tương lai gần, hai bên sẽ không thể tránh khỏi việc sẽ tiếp tục có các động thái gây căng thẳng nhằm đáp trả lẫn nhau, song hành động “ăn miếng, trả miếng” có lẽ càng cho thấy rõ hơn rằng Hàn Quốc và Triều Tiên dường như đang bị mắc kẹt trong một trò đấu trí, khi mà cả hai bên đều không muốn nhượng bộ trước.

Phương Anh/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/han-quoc-noi-can-so-huu-vu-khi-hat-nhan-post1129834.vov