Hà Nội: Metro 35 nghìn tỷ sắp vận hành sau 14 năm

Dự kiến tháng 7 tới, Hà Nội sẽ đưa vào khai thác thương mại tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội. Hiện, TP đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng hiệu quả khi khai thác.

Giá vé như tuyến Cát Linh - Hà Đông

Từ nơi thuê trọ (Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm) tới Học viện Báo chí và Tuyên truyền chưa đầy 6km nhưng hằng ngày Nguyễn Minh Ngọc (SN 2004) thường mất tới 30 phút đi lại. Chính vì vậy, Ngọc cũng như rất nhiều sinh viên khác luôn mong ngóng tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội sớm được đưa vào khai thác.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội khi vận hành sẽ giúp người dân có thêm lựa chọn đi lại.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội khi vận hành sẽ giúp người dân có thêm lựa chọn đi lại.

"Có tuyến metro này, em sẽ không ở trọ nữa mà mỗi ngày có thể từ nhà ở Đan Phượng đi metro để tới trường. Thời gian đi vẫn thế mà lại tiết kiệm được tiền trọ", Ngọc nói.

Đây cũng là mong ngóng của nhiều học sinh, sinh viên và người dân ở Hà Nội.

Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã hoàn thiện phương án giá vé đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Dự kiến, khi vận hành thương mại, giá vé được tính theo quãng đường di chuyển, tối đa 15.000 đồng/lượt đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất.

Giá vé ngày 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.

Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng. Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn phí...

Sẽ có 41 tuyến buýt kết nối

Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km (gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm) với 12 nhà ga, 1 depot rộng 15,5ha và 10 đoàn tàu, tốc độ khai thác 35km/h, với 8 đoàn tàu cùng hoạt động, một đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm.

Đến cuối tháng 6/2024, tuyến đường sắt này đã hoàn thiện công tác vận hành thử đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy. Phía dưới, công tác tổ chức giao thông, đặt biển báo đã được thiết lập.

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết đang phối hợp cùng các bên liên quan hoàn tất các công việc cuối cùng để trong tháng 7 tới có thể vận hành tuyến.

Theo ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội, có tới 41 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị. Khoảng cách điểm dừng xe buýt ở toàn bộ 8 ga dọc tuyến không quá 100m, người dân sẽ rất thuận tiện.

Cũng theo ông Phương, các kịch bản ứng phó khi tuyến Nhổn - ga Hà Nội gặp sự cố đang được xây dựng theo hướng sẵn sàng giải tỏa hành khách bằng loạt các tuyến buýt gom, không để khách thiếu phương tiện công cộng.

Vẫn chưa đủ nhân sự vận hành tuyến

Tuy nhiên, tìm hiểu của PV, đến thời điểm này nhân sự vận hành tuyến Nhổn - ga Hà Nội vẫn đang thiếu so với yêu cầu.

Nhân sự vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội hiện vẫn thiếu.

Nhân sự vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội hiện vẫn thiếu.

Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội, mô hình tổ chức bộ máy và định biên nhân sự Xí nghiệp Vận hành đoạn Nhổn - ga Hà Nội được duyệt tổng số 524 nhân sự vận hành. Trong đó số nhân sự cần được đào tạo là 497 người. Tuy nhiên, đến nay mới đào tạo được 348 người, còn 149 người chưa có kế hoạch.

Trên cơ sở số lượng nhân sự đã được đào tạo, công ty đã lập phương án lắp ghép vào mô hình tổ chức bộ máy xí nghiệp tuyến để vận hành thử với tổng số 380 người cho đến ngày vận hành chính thức.

Bày tỏ lo lắng với phương án này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường yêu cầu đơn vị vận hành phải làm rõ việc sử dụng một phần số lượng nhân sự từ tuyến Cát Linh - Hà Đông chuyển sang.

"Cả 2 tuyến đều đang thiếu nhân sự vận hành, vậy việc khai thác có đảm bảo an toàn không? Trường hợp không đủ nhân sự vận hành theo yêu cầu mà vẫn đảm bảo an toàn, cần có cam kết cụ thể cũng như phân tích, đánh giá cơ sở pháp lý", ông Thường nói.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội dài 8,5km đi qua 8 ga với tổng thời gian trên 13 phút. Tàu có tốc độ kỹ thuật 80km/h. Vận tốc tàu chạy trong giai đoạn vận hành 35km/h.

Tuyến metro được xây dựng từ vốn vay ODA của Pháp và ngân sách TP Hà Nội với tổng mức đầu tư gần 35.000 tỷ đồng, gồm 10 đoàn tàu, mỗi đoàn có 4 khoang. Trung bình có 850-950 khách/tàu. Hãng sản xuất tàu là Tập đoàn Alstom (Pháp). Nhà thầu là Hyundai E & C (Hàn Quốc) và Ghella S.p.A (Ý). Tuyến được khởi công từ ngày 10/10/2010.

Ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tính đến nay, tiến độ của toàn dự án đạt 75,3%. Đoạn trên cao tiến độ đạt 99,95%, hiện chỉ còn thi công đường nội bộ và cảnh quan khu vực depot.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-metro-35-nghin-ty-sap-van-hanh-sau-14-nam-19224061407513333.htm