Hà Nội: Dự kiến đồng loạt triển khai đối với các quy hoạch 2 bên sông Hồng vào đầu năm 2024

Tại hội nghị đối thoại với MTTQ các cấp thành phố Hà Nội sáng 9.8, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, cùng với tiến độ phê duyệt giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thành phố sẽ đồng loạt triển khai đối với các quy hoạch 2 bên sông Hồng.

Sẽ lấy ý kiến cộng đồng dân cư về xây dựng quy hoạch phát triển hai bờ sông Hồng

Về tiến độ triển khai lập Quy hoạch và khi nào Hà Nội có quy hoạch về phát triển hai bờ sông Hồng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết về định hướng chung, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Hà Nội sẽ được nghiên cứu điều chỉnh song song và đồng thời cùng với Quy hoạch Thủ đô cũng như Luật Thủ đô, đây là 3 nội dung quan trọng để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ để đồng loạt phê duyệt, triển khai đồng thời trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh phát biểu làm rõ một số vấn đề. Ảnh: VA

Về định hướng chung, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sẽ được tập trung cho một số vấn đề: Xác định yếu tố văn hiến, văn minh, hiện đại cho Thủ đô (nội dung đã được xác định trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị); nghiên cứu để phát triển đồng bộ giữa đô thị và nông thôn trong bối cảnh sẽ nghiên cứu lại để phân bổ dân cư - nội dung rất quan trọng sau quá trình rà soát trước đây; thứ ba, đầu tư và phát triển 2 bên Vành đai 4 trong bối cảnh nghiên cứu phát triển đô thị chung cho Hà Nội với các khu vực 2 bên Vành đai 4, 2 thành phố trực thuộc Thủ đô cùng khu vực phát triển huyện lên quận.

Đồng thời, nghiên cứu đối với 2 thành phố phía Bắc và Tây của Hà Nội, sẽ hình thành trên cơ sở thành phố phía Bắc gồm 3 đơn vị, khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây gồm: khu vực Hòa Lạc và Xuân Mai để tạo dựng một cơ cấu mới trong tổ chức không gian của Hà Nội trước đây là thành phố trung tâm cùng với 5 đô thị vệ tinh sẽ hình thành cấu trúc mới, thành phố trung tâm, 2 thành phố trực thuộc và các đô thị vệ tinh tạo thành tổ chức không gian mới trong quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô.

Về tiến độ, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan và các tổ chức, cá nhân, các bộ, ngành trong khoảng tháng 9 và nửa đầu tháng 10.2023; báo cáo Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ dự kiến tháng 12.2023 và theo tiến độ này, trước khi báo cáo các cấp có thẩm quyền, sẽ kết hợp cùng điề chỉnh Luật Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2023.

Đối với Quy hoạch sông Hồng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, Quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND TP phê duyệt năm 2021, với định hướng của sông Hồng sẽ nghiên cứu phát triển về mặt cảnh quan, văn hóa, giao thông và khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên. Sông Hồng kết hợp với 5 trục: Hồ Tây- Ba Vì, Hồ Tây- Cổ Loa, Nhật Tân- Nội Bài và trục phía Nam Hà Nội sẽ trở thành 5 trục chính trong định hướng điều chỉnh quy hoạch tới đây và sông Hồng, trong thời gian tới sẽ trở thành sông nằm giữa đô thị phía B – Nam Hà Nội, đi qua trung tâm của TP.

"Như vậy về mặt hình thái, đô thị của Hà Nội sẽ quay mặt vào sông - nội dung đã được Bí thư Thành ủy chỉ đạo cũng như truyền tải đến các chuyên gia trong tổ tư vấn để triển khai trong thời gian tới"- Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết.

Đồng thời, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cũng thông tin dự kiến, cùng với tiến độ phê duyệt giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thành phố sẽ đồng loạt triển khai đối với các quy hoạch 2 bên sông Hồng và trong quá trình triển khai sẽ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và đặc biệt cần sự tham gia, phối hợp của MTTQ Việt Nam thành phố và các cấp. Ý kiến của MTTQ các cấp rất quan trọng trong vấn đề xác lập ý tưởng, định hướng trong thời gian tới trình duyệt hồ sơ và báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ sở để xem xét tăng lương cho CBCCVC

Theo Trưởng Ban Tổ chức Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, với chế độ đãi ngộ và mức tiền lương như hiện nay sẽ khó có thể thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc trong các cơ quan của thành phố. Đặc biệt, yêu cầu đối với công tác Mặt trận ngày càng cao, khối lượng công việc tăng, số lượng cán bộ vẫn giảm theo lộ trình sẽ khó đảm bảo chất lượng công việc.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VA

Ông Hải đề nghị Thành ủy nghiên cứu có chính sách, giải pháp trong cải cách tiền lương cho đội ngũ CBCCVC Thủ đô, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các cơ quan của thành phố và biên chế phù hợp cho cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Đồng thời có chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ Mặt trận thành phố đến các đơn vị cấp thành phố và cấp huyện, tạo điều kiện để cán bộ Mặt trận có cơ hội phát triển, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Trao đổi về vấn đề bố trí biên chế và cơ chế tăng lương để "giữ chân" cán bộ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, thành phó có số lượng biên chế nhưng hiện chưa tổ chức tuyển hết. Vừa qua, 854 thí sinh đã thi vào khối Đảng-đoàn thể, số lượng này sẽ được bổ sung sớm nhất. Đồng thời, Ban Tổ chức Thành ủy tiếp tục nghiên cứu trong năm 2024 trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các đơn vị, sẽ giao biên chế cho Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo khẳng định, sẽ bố trí đủ biên chế theo vị trí việc làm của MTTQ nhưng tinh thần là không tăng biên chế mà tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.

Liên quan đề xuất về tăng lương, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nêu rõ, T.Ư đang có lộ trình tăng tiền lương, thành phố thời gian qua cũng rất quan tâm chế độ chính sách cho CBCCVC, nhất là cấp cơ sở. Thành phố đang xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nếu được thông qua sẽ là cơ sở quan trọng để xem xét tăng lương cho CBCCVC.

Tới đây thành phố sẽ tổ chức thi tuyển để tạo lực lượng bổ sung cho Mặt trận các cấp. Căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy cũng làm việc với các địa phương để lựa chọn, luân chuyển những đồng chí có năng lực, trình độ, uy tín đảm bảo thực hiện công tác Mặt trận. Như vậy để đảm bảo cán bộ Mặt trận vừa đủ về số lượng vừa phải đủ năng lực.

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/ha-noi-du-kien-dong-loat-trien-khai-doi-voi-cac-quy-hoach-2-ben-song-hong-vao-dau-nam-2024-i339560/