Hà Nội đang xây dựng kế hoạch thu hẹp 'vùng đỏ'
Thay vì chia vùng giãn cách rộng như hiện nay, CDC đang tham mưu giãn cách theo quy mô xã, phường hoặc thậm chí thấp hơn nữa sau ngày 21/9...
Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, nếu số ca bệnh trong cộng đồng tiếp tục giảm sâu và Hà Nội duy trì tốt tình trạng như hiện tại thì CDC sẽ đề xuất nới lỏng giãn cách, chỉ phong tỏa những nơi có bệnh nhân mới. Cơ quan này cũng đang xây dựng kế hoạch thu hẹp “vùng đỏ”, nới lỏng dần từng bước.
Theo ông Tuấn, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này là lấy mẫu diện rộng, đẩy nhanh và tăng công suất xét nghiệm để sớm khoanh vùng các chuỗi lây nhiễm còn lại, đồng thời đánh giá nguy cơ trên địa bàn. Thông qua số liệu xét nghiệm, CDC sẽ đánh giá từng vùng, từng khu vực theo mức độ nguy cơ để tham mưu cho TP phương án nới lỏng từng bước, từng phần. Thay vì chia vùng giãn cách rộng như hiện nay, CDC đang tham mưu giãn cách theo quy mô xã, phường hoặc thậm chí thấp hơn nữa sau ngày 21/9.
“Khi nới lỏng giãn cách, các “vùng đỏ” thuộc địa bàn các quận, huyện vẫn sẽ tiếp tục phải phong tỏa chặt. Không thể xóa hết ngay “vùng đỏ” được nhưng có thể thay đổi theo quy mô. Quận, huyện nào vẫn còn “vùng đỏ” thì vẫn phải phong tỏa. CDC cũng đang xây dựng kế hoạch thu hẹp “vùng đỏ”, nới lỏng dần từng bước”, ông Tuấn nói.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, TP đã thực hiện xét nghiệm diện rộng được khoảng 2 triệu mẫu, đạt 60 đến 70% theo kế hoạch đề ra. Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, chỉ còn lác đác vài trường hợp ngoài cộng đồng được phát hiện và số lượng ca mắc hàng ngày có dấu hiệu giảm. TP đã thực hiện xét nghiệm diện rộng được khoảng 50% theo kế hoạch đề ra.
Chia sẻ về vấn đề nới lỏng giãn cách, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá, hiện nay các ca bệnh trong cộng đồng tại Hà Nội vẫn còn, nhưng đã giảm. Để số ca bệnh về con số 0 trong thời điểm hiện nay rất khó, vì dịch bệnh đã vào trong chuỗi cung ứng như chợ, bán hàng online… Đây là nơi giao lưu đi lại nhiều, khó kiểm soát được hết, do đó nguy cơ dịch bệnh tại Hà Nội vẫn rất cao và diễn biến khó lường.
PGS.TS Trần Đắc Phu nêu ý kiến, Hà Nội có thể nghiên cứu nới lỏng sau ngày 21/9, nhưng vùng nào đang phong tỏa thì vẫn phải phong tỏa, một số hoạt động có nguy cơ cao như vũ trường, bar, karaoke, các hoạt động tập trung đông người… thì vẫn cần chưa cho phép hoạt động.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đã yêu cầu các địa phương phải tính toán, nghiên cứu, sớm có định hướng cho giai đoạn chống dịch sau ngày 21/9. Đối với vùng 2,3, chính quyền địa phương phải tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, xây dựng trong điều kiện kiểm soát tình hình dịch bệnh chặt chẽ. Ngoài ra, các quận huyện, các ngành phải chủ động xây dựng phương án để phục hồi kinh tế, dịch vụ, để đến khi TP có quyết định nới lỏng giãn cách xã hội thì bắt tay ngay vào triển khai, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.