Hà Giang luôn là 'phên giậu' vững chắc của Tổ quốc

Trong chương trình công tác tại tỉnh Hà Giang, sáng 28/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang để đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023; đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh Hà Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN.

Theo Tỉnh ủy Hà Giang, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Năm 2022, Hà Giang đạt và vượt 29/36 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 7,62%, GRDP bình quân đầu người tăng 3,66 triệu đồng. Thu ngân sách Nhà nước vượt 32,7% dự toán. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực, năng suất, chất lượng được nâng lên, phát triển theo hướng tiêu chuẩn, chất lượng cao. Công nghiệp tăng tốt; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,8%... Cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; chính sách cho đồng bào dân tộc, giảm nghèo được triển khai đồng bộ...

Tỉnh Hà Giang đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết một số kiến nghị để tỉnh phát triển nhanh và bền vững như: Hỗ trợ vốn Trung ương để triển khai thực hiện dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; hỗ trợ tỉnh giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh; hỗ trợ tỉnh đưa điện lưới quốc gia về hơn 200 thôn, bản còn lại của tỉnh chưa có điện…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tới vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của tỉnh Hà Giang; đồng thời cho rằng, Hà Giang có địa hình hùng vĩ, tiềm năng về đất đai, đa dạng sinh học, nguồn dược liệu, khoáng sản... đa dạng, phong phú, tiềm năng du lịch. Đặc biệt, con người Hà Giang giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, văn hóa các dân tộc đặc sắc…

“Với những tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội của mình, Hà Giang hoàn toàn có thể phát triển nhanh, xanh, bền vững, luôn là “phên giậu” vững chắc của Tổ quốc” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Giang, góp phần vào thành tựu chung của cả nước; đồng thời chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của tỉnh Hà Giang như: quy mô kinh tế còn nhỏ; thu ngân sách Nhà nước còn khiêm tốn, thu chưa đủ chi; kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là điểm nghẽn; công nghiệp chưa phục hồi; số doanh nghiệp hoạt động còn ít; việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu... Trên cơ sở phân tích tình hình, vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh, những kết quả cũng như hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, Thủ tướng quán triệt quan điểm, nhiệm vụ để Hà Giang phát triển nhanh, bền vững.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Hà Giang phải luôn ghi nhớ và thực hiện 8 lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu khi Người đến thăm Hà Giang, năm 1961; tiếp tục giữ vững đoàn kết; quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Hà Giang phải luôn khát khao phát triển nhanh, xanh và bền vững trên cơ sở phát huy mạnh mẽ những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, bình tĩnh, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hà Giang phải tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; quyết liệt triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đúng tiến độ, chất lượng.

Tỉnh đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, phải mở các trường dân tộc nội trú, thí điểm xây dựng trường đại học đa ngành tại Hà Giang; chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; đồng thời chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số.

“Hà Giang phải thực hiện tốt công tác xây dựng cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư, nhất là cho các ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, có thế mạnh của tỉnh” - Thủ tướng lưu ý đồng thời yêu cầu tỉnh Hà Giang tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, nhất là chế biến nông sản; phát triển, quản lý thủy điện gắn với sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

Cho rằng, Hà Giang có tiềm năng lớn về du lịch, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Hà Giang.

Tỉnh Hà Giang thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng các dân tộc và con người Hà Giang. “Hà Giang phải phát triển văn hóa bao trùm, hiệu quả, xứng tầm với chính trị, kinh tế - xã hội; phát huy bản sắc văn hóa của 19 dân tộc anh em trên địa bàn, theo tinh thần Đề cương văn hóa 1943 là “dân tộc, khoa học, đại chúng”, để văn hóa soi đường cho quốc dân đi” - Thủ tướng chỉ đạo.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của Hà Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng, xuất phát từ yêu cầu thực tế của tỉnh; đồng ý xem xét, đồng thời yêu cầu tỉnh Hà Giang chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự án, sắp xếp huy động nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện, khẩn trương triển khai thực chất, hiệu quả, đảm bảo các quy định và phù hợp với nhiệm vụ, tình hình chung của vùng và cả nước.

T.X/TTXVN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ha-giang-luon-la-phen-giau-vung-chac-cua-to-quoc-5719038.html