Giữ nguồn cho bến nước

Những ngày giữa mùa khô, khi đợt nắng nóng, hạn hán lên đến đỉnh điểm, một số ao, hồ đã bắt đầu cạn kiệt, nguồn mạch bến nước tại các buôn của người Êđê ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk vẫn tuôn chảy những dòng nước mát lành...

Giữa cái nắng oi ả, hai mẹ con chị H’Jun Mlô và H’Lin Mlô đến bến nước buôn Năng, xã Ea Hồ để lấy nước. Những hàng cây xanh cổ thụ trên đường vào bến đã khiến không khí trở nên dịu mát. Chị H’Jun chia sẻ, bến mùa nào cũng có nước.

Hai mẹ con chị H’Jun Mlô và H’Lin Mlô lấy nước ở bến nước buôn Năng.

Hai mẹ con chị H’Jun Mlô và H’Lin Mlô lấy nước ở bến nước buôn Năng.

Bến nước Ea Lung của buôn Wiao A, thị trấn Krông Năng cũng được bao bọc bởi những cây cổ thụ xanh mát có tuổi đời cả trăm năm. Tuy đã có nước máy nhưng cứ chiều đến, người dân trong buôn lại ra bến gùi nước về dùng. Tiếng cười nói, trò chuyện râm ran cả bến nước cho đến khi mặt trời khuất dần sau những rặng cây...

Già Y Wơn Niê, thầy cúng buôn Wiao A chia sẻ: Sau khi thu hoạch mùa màng, bà con trong buôn sẽ tổ chức phát dọn sạch sẽ bến nước rồi tổ chức lễ cúng. Đây là lễ cúng quan trọng với thời gian ba ngày. Trải qua bao đời, đồng bào ý thức được tầm quan trọng của bến nước với đời sống và tinh thần nên luôn ra sức bảo vệ. Bởi nước chính là mạch sống của cả buôn, cả cộng đồng. Nước mang đến sự sống, những mùa màng tươi tốt, ấm no... và rừng cây nơi bến nước cũng là chốn linh thiêng che chở cho buôn làng.

“Địa phương thường xuyên tổ chức các lễ hội, duy trì lễ cúng bến nước, vừa tạo không gian kết nối cộng đồng, vừa khích lệ người dân tham gia vào việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ bến nước, rừng cây...” - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Năng Nguyễn Văn Vỹ.

“Trong luật tục quy định rất nghiêm như: nếu làm bẩn, hoặc phá bến nước là phải cúng một con heo; trâu, bò không được bước qua bến nước, xung quanh bến nước luôn phải được dọn sạch...” - già Y Wơn Niê cho biết.

Theo anh Y Vina Niê, Buôn trưởng buôn Wiao A, toàn buôn có 315 hộ, với gần 1.500 khẩu (người Êđê chiếm 95%).

Buôn có hai bến nước là bến Ea Lung và Ea Kô. Trong những năm qua, để bảo vệ bến nước, Ban tự quản buôn thường xuyên tuyên truyền đến bà con không được làm cho nguồn nước bị ô nhiễm, bảo vệ rừng cây xanh...

Còn tại bến nước buôn Năng, cách đây 3 năm, khi nghe tin một hộ dân trong buôn có ý định múc đất làm hồ chứa nước ở đầu nguồn của bến nước, Ban tự quản đã họp buôn, tuyên truyền, không để hộ dân múc đất gây ảnh hưởng đến rừng cây, bến nước của cộng đồng.

Năm 2018, cùng với sự hỗ trợ của UBND xã Ea Hồ, người dân đã đóng góp kinh phí xây dựng đường, góp phần tôn tạo, gìn giữ bến nước sạch đẹp.

Bà H’Phi La Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ cho hay, xã Ea Hồ có 14 thôn, buôn, khoảng 2.900 hộ và 14.000 khẩu (có 9 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Êđê chiếm khoảng 70% dân số).

Lễ cúng bến nước ở buôn Năng đã trở thành một hoạt động thường niên ở xã Ea Hồ.

Lễ cúng bến nước ở buôn Năng đã trở thành một hoạt động thường niên ở xã Ea Hồ.

Những năm qua, UBND xã cùng các buôn tổ chức tu sửa, phục hồi một số bến nước, tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng và bảo vệ nguồn nước và rừng đầu nguồn. Từ năm 2018, Lễ cúng bến nước tại buôn Năng đã trở thành một hoạt động thường niên, thu hút sự tham gia của mọi người dân trong buôn, cũng như đông đảo du khách đến tham dự và tìm hiểu nét đẹp văn hóa nơi đây.

Nguyễn Gia/Báo Đắk Lắk

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giu-nguon-cho-ben-nuoc-212268.htm