Giữ nét làng trong phố

Giữa phố thị tấp nập vẫn nghe tiếng rao chiều về món ăn gợi nhớ ký ức tuổi thơ nơi làng quê. Trong khuôn viên các công trình kiến trúc hiện đại, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức thu hút đông đảo người dân tham gia. Bên những tòa nhà cao tầng, từng cánh diều thả mình theo gió bay vút lên bầu trời…

Trò chơi dân gian bịt mắt bắt vịt được tổ chức tại công viên Hồ Sơn thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, cổ vũ. Ảnh: THANH HUY

Trong sự chuyển mình phát triển của TP Tuy Hòa luôn hiện hữu những giá trị văn hóa truyền thống.

Mộc mạc hồn quê giữa phố

“Nổ bánh ống gần đường ray xe lửa” - tiếng rao từ chiếc loa gắn trên xe máy thu hút trẻ em và người lớn ở khu phố Ninh Tịnh 3 (phường 9). Như thường lệ, mỗi tháng một lần, những người nổ bánh ống tìm tới một góc đường mang theo các loại gạo và hạt như gạo nếp, gạo lứt, đậu xanh, đậu đen… Ai muốn ăn gì họ sẽ cho nguyên liệu vào máy và ùn ra dây ống nhỏ gọi là bánh ống. Ống ùn tới đâu họ cắt tới đó, khoảng 20cm mỗi thanh ống và bỏ từ 15-20 thanh vào 1 bịch. Ai không có thời gian đứng đợi, có thể mua luôn bánh ống nổ sẵn, bịch nhỏ 5.000 đồng, bịch lớn 10.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Ba, một người chuyên nổ bánh ống chia sẻ: Trước đây, tôi nổ bánh ống ở các xã thuộc huyện Tây Hòa quê tôi. Tôi không mang ra TP Tuy Hòa vì nghĩ trẻ em ở đây không thiếu gì đồ ăn vặt. Vậy mà ngay ngày đầu tôi đem máy nổ ra phố, trẻ em đã chen kín. Chúng háo hức xem vì tò mò và thấy lạ miệng. Người lớn cũng đồng tình để con họ ăn, vì cái này không có chất bảo quản như bim bim hay nhiều đường như bánh kẹo. Tính đến nay, tôi đã làm nghề được 5 năm.

Gửi chiếc ô tô bên hông Phòng khám Đa khoa Đức Tín (đường Mậu Thân), anh Bùi Vũ An đi bộ ra công viên Hồ Sơn để hòa mình vào không khí sôi động của các trò chơi dân gian gồm lắc thúng, bao bố cướp cờ, bịt mắt bắt vịt, đập niêu… Anh An hồ hởi: Tôi như trở lại cái tuổi 13-16 cùng đám bạn chăn bò lúc rảnh bày mấy trò bắt vịt, nhảy bao bố giữa đồng chơi; chiều mát lại hò nhau xuống biển tắm, bơi chán thì lắc thúng xem ai nhanh hơn.

“Sau 10 năm trở lại quê, sự phát triển nhanh chóng của thành phố khiến tôi tưởng những trò chơi ấy sẽ bị những tấp nập của đô thị đẩy về quá khứ hoặc có chăng cũng chỉ còn tồn tại ở làng quê. Nhưng không, chúng vẫn hiện hữu ngay giữa trung tâm đô thị”, anh An nói.

Chiều cuối tuần, anh Phạm Văn Trung ở phường 2 đưa con ra quảng trường 1 Tháng 4 thả diều. 20 năm trước, tuổi thơ của anh cũng có những ngày thả diều ở đây. Lúc đó, không gian nơi đây hẹp, xung quanh thưa thớt nhà cao tầng. Nay không gian mở rộng kết nối với tuyến đường bộ ven biển cùng nhiều công trình kiến trúc hiện đại và hệ thống nhà hàng, khách sạn cao tầng…, hoạt động thả diều của người dân vẫn không thay đổi. Anh Trung vui vẻ nói: Tôi rất vui vì thành phố dù có phát triển như thế nào, cũng vẫn dành nhiều không gian công cộng cho người dân vui chơi.

Đưa làng ra phố

TP Tuy Hòa khuyến khích thương hiệu hóa các sản phẩm từ làng, xây dựng mỗi làng nghề thành một điểm du lịch trải nghiệm kết nối với du lịch trung tâm thành phố, tạo thành mạng lưới du lịch dịch vụ đa dạng và phong phú. Thành phố chủ trương khai thác các giá trị truyền thống theo hướng đầu tư thành các sản phẩm độc đáo, thu hút du lịch, thúc đẩy dịch vụ. Có như vậy văn hóa truyền thống mới sống mãi với thời gian.

Ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa

Từ năm 2019 đến nay, tại quảng trường 1 Tháng 4, các chương trình thả diều nghệ thuật được tỉnh và thành phố tổ chức thường xuyên. Năm 2024 là năm đầu tiên UBND TP Tuy Hòa tổ chức giải đua thuyền súp, lắc thúng và các trò chơi dân gian tại công viên Hồ Sơn.

Theo UBND TP Tuy Hòa, thời gian tới, các trò chơi dân gian sẽ được thành phố tổ chức thường niên, nhằm phục vụ đời sống văn hóa và tinh thần của Nhân dân. Ngoài ra, trong khuôn khổ các sự kiện văn hóa, chính trị được tổ chức tại TP Tuy Hòa, thành phố luôn lồng ghép các hoạt động giới thiệu văn hóa dân gian và trưng bày các sản phẩm từ làng như nông sản, món ăn truyền thống và các sản phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ…

Từ năm 2023, TP Tuy Hòa triển khai Đề án làng văn hóa du lịch cộng đồng Long Thủy. Đến nay, hoạt động này không chỉ giúp hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất mà còn thúc đẩy sản phẩm truyền thống của làng hòa nhập thị trường trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Minh Huân, Trưởng thôn Long Thủy cho biết: Trước đây, làng có duy nhất sản phẩm nước mắm Ngân Mỹ Á có thương hiệu đủ điều kiện tham gia thị trường. Từ năm 2023, trong làng có tới 4 sản phẩm nước mắm của 3 hộ dân đạt chứng nhận OCOP, đó là nước mắm đặc biệt và nước mắm thượng hạng của hộ sản xuất Lê Thị Kim Ngân, nước mắm truyền thống Hai Phước của hộ sản xuất Trương Bá Hưng và nước mắm truyền thống Hồng Gia Phúc loại đặc biệt của cơ sở sản xuất nước mắm Hồng Gia Phúc. Có thương hiệu, các sản phẩm này được tạo điều kiện xúc tiến thương mại trên các trang thương mại điện tử của tỉnh, của ngành Nông nghiệp và của UBND TP Tuy Hòa. Từ đây, du khách trong và ngoài nước biết tới.

TP Tuy Hòa có 3 làng nghề truyền thống được công nhận là làng nghề trồng rau, hoa Ngọc Phước 2 (năm 2013), làng nghề trồng hoa, cây cảnh Liên Trì 1 (năm 2022) và làng nghề sản xuất nước mắm Long Thủy (năm 2023).

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/316235/giu-net-lang-trong-pho.html