Giải pháp giảm thiểu tai nạn lao động

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, ảnh hưởng tới sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, gây tâm lý bất ổn cho người lao động. Nhằm kịp thời chấn chỉnh công tác này, ngày 21-5-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 51/CĐ-TTg yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), đặc biệt đối với các công trình, dự án trọng điểm, các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ.

ATVSLĐ luôn gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm bảo vệ yếu tố quan trọng nhất của lực lượng sản xuất là người lao động. Tuy nhiên, TNLĐ lại luôn là mối nguy tiềm ẩn thường xuyên đe dọa người lao động trong quá trình sản xuất. Hậu quả của TNLĐ không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần, thu nhập của người lao động mà còn khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị tác động bởi chi phí bồi thường. Mặt khác, việc để xảy ra TNLĐ còn gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp và làm gia tăng gánh nặng cho xã hội. Do đó, trong mỗi doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, việc đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động được thực hiện bằng những giải pháp cụ thể, như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng chống cháy nổ hiệu quả, ngăn ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp thường xuyên, liên tục không chỉ giúp doanh nghiệp, đơn vị sản xuất phát triển lâu dài, bền vững mà còn chăm lo, bảo vệ tốt sức khỏe lực lượng sản xuất cũng như mang lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình họ.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, công tác đảm bảo ATVSLĐ trên cả nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, hiện vẫn có không ít đơn vị, doanh nghiệp còn lơ là, chủ quan trong công tác bảo đảm ATVSLĐ và không quan tâm đến việc hướng dẫn thực hiện ATVSLĐ. Thậm chí, việc tìm các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ… để hạn chế và ngăn ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp cũng không được chú trọng.

Trước yêu cầu cấp bách của công tác ATVSLĐ hiện nay, để hạn chế tối đa số vụ TNLĐ, nhất là TNLĐ nghiêm trọng, thì yêu cầu tiên quyết là các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 51/CĐ-TTg. Song song đó, ngoài việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành quy định pháp luật về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, thông qua các quy định, nghị định và văn bản pháp luật về ATVSLĐ, cấp có thẩm quyền và ngành chức năng cần đưa ra các biện pháp, chế tài phù hợp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động cũng như tiến hành kiểm tra, rà soát thường xuyên và chặt chẽ hơn công tác này tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những nguy cơ TNLĐ có thể xảy ra.

Thực tiễn các vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra thời gian qua cũng cho thấy, đối tượng bị ảnh hưởng và chịu thiệt thòi nhất vẫn là người lao động. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của các bộ, ngành, địa phương thì trước hết người lao động phải tự trang bị kiến thức cho bản thân về ATVSLĐ và chủ động phòng tránh các nguy cơ gây mất an toàn lao động. Đồng thời chủ động nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo hộ lao động để có thể từ chối làm việc trong những điều kiện không bảo đảm an toàn. Thậm chí, trong trường hợp không may xảy ra tai nạn, người lao động có căn cứ để yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện bồi thường theo đúng quy định pháp luật.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/157904/giai-phap-giam-thieu-tai-nan-lao-dong