Nguyên Bình đẩy mạnh phát triển cây dược liệu

Huyện Nguyên Bình phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các mô hình liên kết trồng cây dược liệu, bước đầu đem lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh và huyện, thông qua các chương trình, dự án, nhiều loại cây dược liệu đã được trồng và ngày càng được nhân rộng. Hiện nay, toàn huyện có 1.782 ha quế, 186,11 ha cây dược liệu các loại như: gừng, nghệ, ấu tàu, cát sâm, hoài sơn, bồ kết, dổi ghép, sa nhân tím, cát cảnh, đương quy, khôi nhung tía, sâm Ngọc linh và sâm Lai Châu.

Phát triển dược liệu là hướng đi đầy triển vọng nhằm khai thác tốt lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của huyện và phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay. Tuy nhiên, để cây dược liệu có thể phát triển bền vững và mở ra hướng phát triển kinh tế, giúp nâng cao đời sống người dân, huyện chú trọng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu và hình thành các cơ sở thu mua, bảo quản dược liệu tại các địa bàn có vùng trồng dược liệu tập trung. Phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế, Viện Dược liệu - Bộ Y tế tiến hành khảo sát các địa điểm, vị trí có khả năng trồng, phát triển cây dược liệu, lựa chọn địa điểm thực hiện xây dựng vùng trồng dược liệu quý và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao tại huyện. Hiện có các công ty, hợp tác xã (HTX) phát triển cây dược liệu, như: Công ty TNHH Công nghệ sinh học Ngân Hà, Công ty DACE - Hà Nội, HTX sản xuất nông lâm nghiệp Huyền My… Huyện xây dựng phương án triển khai nhà xưởng sơ chế, chế biến dược liệu tại xã Vũ Minh và xã Thịnh Vượng với tổng diện tích 79 ha (xây dựng nhà máy chiết xuất tinh dầu quế tại xóm Sẻ Pản, xã Thịnh Vượng 15 ha; xây dựng vườn ươm, khu trồng dược liệu quý ứng dụng công nghệ cao và nhà máy chế biến dược liệu tại xóm Tân Thịnh, xã Vũ Minh 64 ha).

Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Đào Nguyên Phong cho biết: Với mong muốn cây dược liệu trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân, phủ xanh đất trống, đồi trọc và bảo vệ rừng, huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các xã tuyên truyền, vận động các công ty, HTX, hộ gia đình chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng cây dược liệu, hoặc trồng xen vào diện tích cây ăn quả chưa cho thu hoạch. Hiện, huyện quy hoạch vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn các xã: Vũ Minh, Minh Tâm, Tam Kim, Hoa Thám, Thịnh Vượng với quy mô trên 2.000 ha.

Nhân dân xã Tam Kim (Nguyên Bình) chăm sóc cây quế.

Nhân dân xã Tam Kim (Nguyên Bình) chăm sóc cây quế.

Trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế sẵn có về đất đai, khí hậu; đồng thời giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây dược liệu phù hợp, xã Vũ Minh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, nhất là các loại cây dược liệu. Xã đang thực hiện quy mô gần 25 ha với 10 hộ tham gia trồng cây dược liệu tại xóm Vũ Ngược. Các cây được đưa vào trồng gồm hồi và quế, là những cây trồng đa mục đích, có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Anh Đinh Văn Đắc, một thành viên trong nhóm hộ trồng cây dược liệu của xóm Vũ Ngược chia sẻ: Tham gia mô hình, các hộ được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng, trong 3 năm thực hiện mô hình đã trồng 18 ha quế, 6 ha hồi. Hiện cây sinh trưởng, phát triển tốt...

Theo Chủ tịch UBND xã Vũ Minh Lãnh Huy Khôi, hiện xã có khoảng 8,888 ha quế, 1 ha hồi được trồng tập trung tại các xóm: Vũ Ngược, Đồng Tâm, Nà Roỏng. Thời gian tới, bằng nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, xã tiếp tục vận động người dân nhân rộng mô hình, tiến tới thành lập HTX trồng và sản xuất, chế biến cây dược liệu nhằm tạo sinh kế, hướng đến phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững tại địa phương.

Trồng cây dược liệu góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất, mở ra hướng giảm nghèo và phát triển kinh tế cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình thực hiện các mô hình; huy động tích cực và linh hoạt, tranh thủ lồng ghép tất cả các nguồn vốn theo phương châm đa dạng hóa các nguồn vốn và hình thức huy động vốn từ bên ngoài, đảm bảo sử dụng ngân sách đúng mục đích, có hiệu quả; tăng cường nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu.

Nông Hậu

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nguyen-binh-day-manh-phat-trien-cay-duoc-lieu-3169909.html