Giải pháp đột phá là 'đại học số'

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin và vấn đề 'chảy máu chất xám' trong lĩnh vực công nghệ cao sáng nay (04.11), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách để thu hút nguồn nhân lực. Và chúng ta phải làm nhiều hơn nữa ở khía cạnh này vì nếu không có nhân tài, không đủ nhân tài thì đất nước rất khó phát triển.

Đã có 500 triệu người cài đặt các nền tảng số Việt Nam

Bộ trưởng đã nhiều lần phát biểu về vai trò và tầm quan trọng của nền tảng số, xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số và coi đây là giải pháp đột phá để thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) nêu câu hỏi: Thời gian tới Bộ trưởng có những giải pháp gì thúc đẩy xây dựng nền tảng số để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam?

Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, chúng ta đã xác định chiến lược nền tảng số là giải pháp đột phá chuyển đổi số Việt Nam. Tuy nhiên, nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực. Nếu không làm chủ các nền tảng số Việt Nam, người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, vui chơi giải trí trên các nền tảng số nước ngoài, dẫn đến dữ liệu bị thu thập trong khi đó những dữ liệu số này được gọi là tài nguyên Việt Nam.

Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt trọng tâm là phát triển các nền tảng số. Năm 2022 đã công bố ở mức quốc gia là trên 52 nền tảng số phải xây dựng xong và đưa vào hoạt động khai thác. Đây là các nền tảng số dùng chung quốc gia, đến nay cơ bản đã xong 52 nền tảng số này và đưa vào vận hành. Có một tín hiệu đáng mừng là trong năm 2022 đã có 500 triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam và chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt Nam, con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Về giải pháp đột phá tiếp theo, Bộ trưởng cho rằng, “có việc sẽ có người, có việc khó sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại sẽ có người vĩ đại”. Trong đó, “người” được hiểu là cả người và doanh nghiệp. Chúng ta đã chọn cách này bằng cách công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia cả ở mức trung ương và địa phương. Bộ Thông tin Truyền thông đã có một trang web để công bố các bài toán cần lời giải trong bài toán chuyển đổi số Việt Nam. Đồng thời, cũng có một trang web chuyên về các giải pháp số để giải quyết các bài toán số Việt Nam. Bên cạnh đó, hai năm trở lại đây đã tổ chức công bố, đánh giá các giải pháp cho những bài toán này, gọi là “Viet Solutions - Cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia”.

Đẩy mạnh xây dựng các nền tảng đào tạo trực tuyến số lượng lớn

Dẫn nội dung từ Báo cáo số 158/BC-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi các đại biểu Quốc hội ngày 29.10.2022, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá và nhận định việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên trách về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam khoảng 1.200.000 người; trong đó, nhân lực có trình độ từ cao đẳng trở lên khoảng 550 nghìn người. Các quốc gia, ví dụ như ở châu Âu, đặt mục tiêu đến 2030, nhân lực làm trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin chiếm khoảng 5% dân số, nếu với tỷ lệ đó ở Việt Nam là 5 triệu người, hoặc ít hơn cũng phải đến 3 triệu người. Thực tế Việt Nam mỗi năm đào tạo cho ra trường, bao gồm cả đại học và cao đẳng cũng chỉ khoảng 60 - 70 nghìn người, vì vậy, theo Bộ trưởng, giải pháp đột phá là "đại học số" vì đào tạo theo cách truyền thống đã đạt đến mức giới hạn do yếu tố giáo viên, cơ sở vật chất của các trường.

Đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Theo đó, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm nay cấp 5 giấy phép về thí điểm đại học số. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc, một trong những nước làm thực hiện rất tốt đại học số. Và nếu có thể thí điểm sớm thì đây là một trong những giải pháp để nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số. Nguồn nhân lực công nghệ số Việt Nam không chỉ phục vụ chuyển đổi số Việt Nam mà còn phục vụ chuyển đổi số ở các nước khác. Hiện nay, có một số doanh nghiệp Việt Nam đang làm rất tốt, doanh thu rất cao đến hàng tỷ USD chính là làm các chương trình chuyển đổi số cho Hoa Kỳ, Nhật Bản... Có thể coi đây là một trong những cơ hội để chúng ta “xuất khẩu”, Bộ trưởng nói.

Về đào tạo nguồn nhân lực số, Bộ trưởng cho rằng, nên có một cách nhìn nhận mới, ngoài việc học đại học, cao đẳng thì mỗi người từ công chức, người lao động, người dân cũng nên có kỹ năng về chuyển đổi số. Một giải pháp Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện là xây dựng các nền tảng đào tạo trực tuyến số lượng lớn đến các đối tượng khác nhau gọi là "Onetouch" và đã đưa vào vận hành được 6 tháng với 10 triệu người Việt Nam tham gia học tập. Trong nền tảng "Onetouch" này cũng có một phần dành riêng cho cán bộ, công chức tham gia tự học, tự đánh giá, tự cấp các chứng chỉ.

Cũng quan tâm đến vấn đề nhân lực, đại biểu Lý Văn Huấn nêu câu hỏi: Tình trạng chảy máu chất xám những nhân tài lập trình vì nhiều lý do, trong đó có những lý do thu nhập, các doanh nghiệp nước ngoài trả cao gấp 5-7, thậm chí 10 lần và về môi trường làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu, phát triển không đáp ứng. Vậy Bộ có giải pháp gì "giữ chân" những nhân tài này?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện rất nhiều quốc gia coi là nhân tài là nguồn lực cơ bản của quốc gia, là yếu tố quyết định trong việc làm chủ khoa học công nghệ cũng như ứng dụng khoa học công nghệ. Về thị trường, đã có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao trả mức lương tương đương với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, những học sinh, sinh viên, người lao động đang làm cho công ty ở nước ngoài đã dần trở về làm tại Việt Nam. Không chỉ vậy, chúng ta cũng có cả những người nước ngoài đang làm việc tại các công ty công nghệ của Việt Nam. Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận cao không, có những việc tạo ra giá trị gia tăng cao hay không để có thể thuê được nhân tài? “Đảng, Nhà nước cũng đã có chính sách để thu hút nguồn nhân lực và chúng ta phải làm nhiều hơn nữa ở khía cạnh này vì nếu không có nhân tài, không đủ nhân tài thì đất nước rất khó phát triển”, Bộ trưởng nói.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/giai-phap-dot-pha-la-dai-hoc-so-i305955/