Gia vị chế biến sẵn trôi nổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe
Chuyên gia khuyên người tiêu dùng chỉ nên sử dụng nguyên liệu tươi, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc các loại gia vị có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định chất lượng.
Bắt hàng trăm gói gia vị không rõ nguồn gốc
Mới đây, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng đối với D.V.Q. (sinh năm 1990) ở xã Bắc An (TP. Chí Linh) do kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cụ thể, đội Quản lý thị trường số 5, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh (Sở Công Thương) phối hợp cùng Đội 4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra kho chứa hàng hóa ở xã Bắc An (TP. Chí Linh) do D.V.Q. là chủ hộ kinh doanh.

Gia vị chế biến sẵn không rõ nguồn gốc bị các cơ quan chức năng phát hiện.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 264 gói gia vị tổng hợp, 128 hộp, gói gia vị hương gà, 30 hộp bột gà không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ mua bán hàng hóa. Số hàng hóa này có tổng trị giá 48,3 triệu đồng (theo giá niêm yết trên sản phẩm). Trước vi phạm trên, lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trên tại Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại Môi trường xanh (TP. Hải Dương).
Tại khu vực bán gia vị ở các siêu thị, người tiêu dùng rất dễ nhận thấy sự gia tăng nhanh chóng về chủng loại, thương hiệu từ các loại sốt đến nước chấm. Đa dạng nhất là tương ớt, tương cà, sốt thịt nướng, sốt thịt xào, sốt BBQ, sốt thịt hầm, sốt mì vị nấm, vị truyền thống, mayonnaise, các loại tương nước chấm pha sẵn, muối ớt chanh, muối ớt xanh, bột nêm lẩu Thái, lẩu Hàn Quốc, lẩu Nhật hay các loại gia vị được chế biến sẵn như gia vị nấu phở truyền thống, bún bò Huế, lẩu mắm, bún riêu cua, thịt kho tàu, cá kho, đến gia vị bột tỏi, bột nghệ, bột gừng… các loại gia vị này được bán với giá rất rẻ, chỉ từ 5.000 - 20.000 đồng/gói.
Có thể nói chưa bao giờ các sản phẩm gia vị chế biến sẵn lại phát triển như hiện nay, từ dạng lỏng đến dạng viên hay khô giúp việc chế biến món ăn của các bà nội trợ dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, phần lớn người dùng chỉ thấy được hương vị của nó rất giống tự nhiên, ít ai quan tâm đến chất lượng và độ an toàn của những loại gia vị này. Trên thị trường hiện có nhiều loại gia vị bán trôi nổi, không nhãn mác, không hạn sử dụng… hàng nước ngoài nhưng gắn nhãn mác Việt Nam.
Đề cập tới các loại gia vị chế biến sẵn, PGS.TS Bùi Quang Thuật, Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương) cảnh báo, người tiêu dùng không nên sử dụng các loại gia vị chế biến sẵn không nhãn mác và không rõ nguồn gốc xuất xứ bởi nó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.
Ngay cả với những loại gia vị mà nhiều người cho rằng tốt như gói gia vị thuốc bắc dùng để tần gà nhưng điều kiện bảo quản không đạt tiêu chuẩn về nhiệt độ, độ ẩm thì rất dễ nảy sinh nấm mốc; Trong đó, có các loại nấm mốc nguy hiểm như Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus chứa độc tố Aflatoxin, là tác nhân gây ung thư gan. Đây là loại nấm mốc phát triển rất mạnh trong điều kiện thời tiết nồm ẩm ở nước ta.
Bên cạnh đó, khi sản xuất nhiều loại gia vị chế biến sẵn, người làm còn cho thêm vào các chất phụ gia, hương liệu tổng hợp không được phép sử dụng hoặc không đúng liều lượng cho phép sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc. Vì vậy, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng nguyên liệu tươi, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc các loại gia vị có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định chất lượng.
Có nên chọn gia vị chế biến sẵn?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, gia vị nấu lẩu, viên xúp phở, bún hay gia vị tẩm ướp đồ nướng... chỉ là một hỗn hợp hóa chất tạo độ ngọt (giống vị ngọt từ xương) và tạo hương vị cho món ăn nên có thể đánh lừa cảm giác người ăn dù không có giá trị dinh dưỡng.
Trong đó, có chất siêu bột ngọt (còn gọi là chất I & G) ngọt gấp 200 lần bột ngọt thông thường sẽ gây cảm giác thèm ăn. Nếu lạm dụng dễ dẫn đến thiếu chất, suy dinh dưỡng. Những mặt hàng trôi nổi, không nhãn mác, giá rẻ tiềm ẩn nguy cơ chứa các hóa chất, phẩm màu công nghiệp với nhiều tạp chất, kim loại nặng... không có lợi cho sức khỏe.
Theo chuyên gia, đối với phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, trên bao bì bao giờ cũng ghi rõ tên hóa chất, thành phần hóa học, tính năng kỹ thuật và tính chất vật lý (dạng lỏng hay rắn...), liều lượng, cách dùng (vào lúc nóng hay nguội...), tính độc với con người, độc với nồng độ bao nhiêu. Nếu sử dụng các phụ gia này đúng loại, đúng liều lượng sẽ có nhiều tác dụng tích cực, tạo được nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng.
Cùng với đó, phụ gia cũng giúp giữ được chất lượng của thực phẩm cho tới khi sử dụng, tạo sự dễ dàng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và làm tăng giá trị thương phẩm trên thị trường. Ngược lại, nếu sử dụng các chất phụ gia không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia nằm ngoài danh mục cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây ra những tác hại không ngờ đối với sức khỏe.
Nếu sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép và quá liều lượng sẽ gây ngộ độc cấp tính. Nếu dùng liều lượng nhỏ, thường xuyên, liên tục một số chất phụ gia thực phẩm bị cấm, tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương lâu dài, sẽ gây ngộ độc mãn tính.
Chẳng hạn, khi sử dụng thực phẩm có hàn the, chất hóa học này sẽ được đào thải qua nước tiểu 81%, qua phân 1%, qua mồ hôi 3%, còn lại 15% được tích lũy trong các mô mỡ, mô thần kinh, dần dần tác hại đến nguyên sinh chất và đồng hóa các amino, gây ra một hội chứng ngộ độc mãn tính như: Ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận, da xanh xao, động kinh, trí tuệ giảm sút. Nguy hiểm hơn nếu dùng phụ gia không cho phép, nhất là các chất phụ gia tổng hợp, về lâu dài tích tụ trong cơ thể dẫn đến nguy cơ hình thành khối u, ung thư,
Chuyên gia khuyến cáo, chỉ nên sử dụng các phụ gia thực phẩm thuộc loại tự nhiên và phụ gia thực phẩm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về độ an toàn khi đưa vào cơ thể. Với những loại phụ gia thực phẩm là hóa chất, ngay cả khi đã được cho phép cũng nên dùng càng ít càng tốt và nếu không thật sự cần thiết thì không nên dùng.
Bên cạnh đó khi chọn mua thực phẩm, người tiêu dùng nên lưu ý lựa chọn các sản phẩm có dán nhãn, không nên ham rẻ mua hàng không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, người tiêu dùng lưu ý, trên nhãn mác phải có đầy đủ thông tin như: Tên hàng hóa, địa chỉ sản xuất, hướng dẫn sử dụng, thời hạn bảo quản, các chất phụ gia... Riêng với hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn phụ ghi những thông tin thuộc nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt đính kèm nhãn gốc.