Duy trì sản xuất để giữ chân người lao động

Với ngành dệt may và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), 2023 là năm khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Trao đổi với báo chí, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, trong khó khăn, Vinatex đã nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, duy trì đơn hàng, với mục tiêu cao nhất là bằng mọi cách giữ chân lực lượng lao động.

Dự báo khó khăn cho ngành dệt may chưa biết đến lúc nào mới chấm dứt nhưng Vinatex kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất, phân phối lớn trên thế giới.

Đơn giá thấp, thời gian giao hàng nhanh

Phóng viên (PV): Năm 2023, ngành dệt may để lại trong ông điều gì?

Ông Cao Hữu Hiếu: Trong năm 2023 với ngành dệt may, từ khóa được nhắc tới nhiều nhất là khó khăn. Đây là năm khó khăn nhất trong suốt lịch sử gần 30 năm thành lập Vinatex, chưa bao giờ khó khăn như vậy kể cả thời kỳ ảnh hưởng Covid-19. Trong thời kỳ Covid-19, chúng ta vẫn có những đơn hàng về phòng dịch, khẩu trang, nhưng năm 2023 thì câu chuyện khác hoàn toàn. Năm 2023, tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng sản xuất có xu thế giảm mạnh; bình quân giảm hơn 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%. Các quốc gia tập trung cạnh tranh về giá để lấy được đơn hàng. Cùng với đơn giá giảm sâu, khách hàng còn yêu cầu đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, có đơn hàng chỉ khoảng 10-14 ngày... đã tạo ra nhiều áp lực đối với doanh nghiệp.

PV: Khó khăn như vậy, kết quả sản xuất, kinh doanh của tập đoàn ra sao, thưa ông?

Ông Cao Hữu Hiếu: Dự báo thị trường dệt may đã được tập đoàn đưa ra ngay từ đầu năm 2023 với nhiều kịch bản để có giải pháp ứng phó, nhưng tất cả những dự báo đều nhanh chóng đảo chiều, không nghĩ kịch bản xấu nhất lại diễn ra, liên tiếp gia tăng các diễn biến bất ổn của thị trường. Vinatex đã tập trung nguồn lực, đưa ra các phương án kịp thời trong điều hành để duy trì đơn hàng, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng và khách hàng. Các doanh nghiệp phải tiếp cận đơn hàng rất nhỏ, kỹ thuật khó, ít lặp lại, thời gian giao hàng ngắn, chấp nhận hy sinh lợi nhuận để giữ đơn hàng.

Ông Cao Hữu Hiếu.

Ông Cao Hữu Hiếu.

Năm 2023, Vinatex có doanh thu hợp nhất ước đạt 17.225 tỷ đồng, đạt 104,4% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, đạt 101,9% so với kế hoạch. Dù đạt kế hoạch nhưng nếu so sánh với con số lợi nhuận hơn 1.200 tỷ đồng năm 2022 thì lợi nhuận năm 2023 đạt được là rất thấp, không như kỳ vọng.

Nhưng điều đáng mừng nhất với Vinatex là vẫn giữ được ổn định người lao động. Dù trải qua nhiều biến động, vẫn có gần 62.000 lao động tại tập đoàn, tỷ lệ giảm chỉ 2% do người lao động đến tuổi về hưu. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng với ngành. Vì khi thị trường khôi phục trở lại, nếu có thị trường, có đơn hàng tốt mà không có lao động thì không làm được gì. Vì thế, thu nhập cho người lao động năm 2023 không giảm hơn nhiều so với 2022 (từ 9,7 triệu đồng/người/tháng năm 2022 giảm xuống 9,5 triệu đồng). Đây là sự cố gắng hết sức của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải hy sinh lợi nhuận, cổ tức để giữ chân người lao động.

Kiên định xây dựng chiến lược một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói

PV: Ông dự báo đâu là khó khăn, thuận lợi của ngành trong năm 2024?

Ông Cao Hữu Hiếu: Các dự báo đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện, nhất là tại thị trường Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%; đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại.

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty May 10-CTCP.

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty May 10-CTCP.

Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một thuận lợi cho các đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam; cùng với đó, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP cao hơn năm 2023.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng có những thách thức mới như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ ngày 1-7, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng trong năm 2023...

PV: Năm 2024, Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng 10% so với năm 2023 cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Vậy đâu là giải pháp, thưa ông?

Ông Cao Hữu Hiếu: Vinatex kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất-phân phối lớn trên thế giới. Kiên định xây dựng chiến lược một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang xanh, thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị công ty (ESG). Đặc biệt, Vinatex sẽ liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định; kiên trì công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ.

PV:Vinatex đã chuẩn bị như thế nào để thực hiện các yêu cầu về xanh hóa đối với ngành dệt may của các đối tác lớn, thưa ông?

Ông Cao Hữu Hiếu: Các cam kết về xanh hóa đã được Vinatex tích cực triển khai. Trong đó, tập trung triển khai sử dụng năng lượng xanh, điện áp mái tại các nhà máy với hơn 25 triệu kilowatt giờ đã được sản xuất và sử dụng năm 2023. Đồng thời, các doanh nghiệp ngành may đã nhanh chóng chuyển đổi lò đốt hơi sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang lò hơi điện, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường... Các tiêu chuẩn về ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) đã được Vinatex tích cực triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, tập trung thực hiện các cam kết và sáng kiến về ESG, xây dựng năng lực cạnh tranh bằng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm với người tiêu dùng và người lao động, cùng với đó là tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

KHÁNH AN (ghi)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/duy-tri-san-xuat-de-giu-chan-nguoi-lao-dong-762057