Đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển toàn diện - Bài 3: Hướng trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023, xác định, Thái Bình hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đang đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, dần hình thành nền nông nghiệp giá trị cao.

Ngành nông nghiệp ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, phát triển khoa học công nghệ. Ảnh: Thế Duyệt/TTX

Ngành nông nghiệp ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, phát triển khoa học công nghệ. Ảnh: Thế Duyệt/TTX

Xây dựng nền nông nghiệp giá trị cao

Với quan điểm sản xuất nông nghiệp phải gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn có lợi thế theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực được định hướng rõ trong Kế hoạch số 2840/KH-UBND, ngày 18/11/2021 cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Trong số đó, nhóm sản phẩm tham gia nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia gồm: lúa, gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm và tôm được tập trung đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững.

Đặc biệt, ngành ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng các chuỗi giá trị đồng bộ gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu quốc gia; tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.

Đối với nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (9 sản phẩm), đặc sản địa phương có quy mô nhỏ, tỉnh tập trung vào các sản phẩm đặc sản nhằm phát huy bản sắc, lợi thế của các địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước phát triển thương hiệu trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2030, GRDP nông nghiệp đạt gần 16 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 9,1% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn tỉnh. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN.

Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2030, GRDP nông nghiệp đạt gần 16 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 9,1% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn tỉnh. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN.

Đến nay, tỉnh Thái Bình đã và đang hình thành, phát triển nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, công nghệ kỹ thuật cao, quy mô hàng trăm ha/vùng và là tỉnh luôn đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất lúa tiên tiến, cơ giới hóa các khâu sản xuất... Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 2.390 trang trại chăn nuôi đạt quy mô theo Luật Chăn nuôi; trong đó, có khoảng 20% số trang trại có thu nhập từ 2 tỷ đồng/năm trở lên.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, Thái Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp. Đến nay, diện tích tích tụ để sản xuất trồng trọt đạt hơn 7.800 ha; đã cấp 33 mã số vùng trồng cho hơn 268 ha, chủ yếu là lúa. Toàn tỉnh đã xây dựng, tự công bố 53 nhãn hiệu gạo và các sản phẩm từ gạo. Tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng triệt để cơ giới hóa đã từng bước tháo gỡ “điểm nghẽn” nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả, giá trị, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Thái Bình.

Trụ cột quan trọng

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định nông nghiệp vẫn là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng.

Để thực hiện mục tiêu trên, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, tỉnh Thái Bình sẽ tập trung phát triển, hiện đại hóa sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; hoàn thành chuỗi sản xuất nông sản của tỉnh. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; tạo mối liên kết ngành và liên kết vùng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả có sức cạnh tranh cao.

Cùng với đó, tỉnh Thái Bình thực hiện bảo vệ tốt rừng hiện có; phát triển nuôi trồng thủy sản ven bờ kết hợp với trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ ven biển, ứng phó biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nhằm phát huy lợi thế là tỉnh có diện tích gieo cấy lúa lớn thứ hai khu vực đồng bằng sông Hồng, với diện tích khoảng 145 - 150 nghìn ha/năm, tỉnh Thái Bình đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 2/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc mạnh sản xuất, kinh doanh, sản xuất lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới, qua đó, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh Thái Bình đã và đang chỉ đạo các huyện, thành phố, cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng vùng sản xuất để phù hợp với quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó coi sản xuất lúa, gạo là lĩnh vực quan trọng của địa phương cần được đầu tư và quan tâm một cách thiết thực.

Mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao của một hộ dân tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, thu về hơn nửa tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao của một hộ dân tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, thu về hơn nửa tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Cụ thể, tỉnh Thái Bình sẽ tập trung tổ chức sản xuất lúa, gạo theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn; phù hợp với nhu cầu thị trường; đáp ứng yêu cầu về an ninh lương thực, tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu. Tỉnh tiếp tục hướng dẫn các tổ chức và cá nhân sản xuất lúa, gạo theo mô hình tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn và liên kết tiêu thụ sản phẩm đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu của Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh Thái Bình quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028.

Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh tích cực tham gia liên danh, liên kết sản xuất, mở rộng thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, cân đối lợi nhuận các khâu sản xuất, bảo đảm quyền lợi cho nông dân trong liên kết tạo các liên kết bền vững; sử dụng và phát triển các nhãn hiệu tập thể về lúa gạo, xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa, gạo của doanh nghiệp; đầu tư xây dựng các cơ sở sấy, bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm từ lúa, gạo; đầu tư khu công nghệ cao sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm lúa, gạo cao cấp có mã vùng trồng…

Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2030, GRDP nông nghiệp đạt gần 16 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 9,1% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt 2,2%/năm; 60% diện tích canh tác được liên kết sản xuất có bao tiêu sản phẩm.

Bài cuối: 'Khát vọng' vươn ra biển lớn

Quang Đán – Thu Hoài – Thế Duyệt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/dua-thai-binh-tro-thanh-tinh-phat-trien-toan-dien-bai-3-huong-tro-thanh-trung-tam-san-xuat-nong-nghiep-hang-dau-20240514114319558.htm