Phản ứng chính sách kịp thời, nhanh nhạy, hiệu quả, linh hoạt hơn

Sáng 4/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 nhằm đánh giá, phân tích tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, tình hình giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; bàn các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới…

Quang cảnh phiên họp.

Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phiên họp này nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng qua; đánh giá các trọng tâm, trọng điểm của công tác chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo; phân tích, đánh giá các kết quả đạt được, những gì tích cực, những gì “đi ngang, đi xuống”, đâu là các khó khăn, vướng mắc? Phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là nguyên nhân do sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chúng ta, đặc biệt cần lưu ý rút ra bài học kinh nghiệm; phải chăng những kết quả đạt được thời gian qua là nhờ chúng ta đã nắm bắt sát tình hình, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả?

Thủ tướng cũng nhấn mạnh bài học về đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là của các Bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Chính phủ; vấn đề tăng cường giám sát, kiểm tra “từ sớm, từ xa, từ cơ sở, ngay từ lúc đầu”, không để tích tụ sai phạm nhỏ thành lớn, “vừa mất thời gian, tiền bạc, con người”. Theo Thủ tướng, nhìn lại từ nhiều vụ việc vừa qua cho thấy công tác giám sát, kiểm tra đạt hiệu quả thấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, chúng ta phải dự báo sát tình hình tháng 5 và quý II này, nhất là đánh giá tình hình có gì mới, đột biến không? Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài, vừa có tính tình thế trước mắt, … để hoàn thành nhiệm vụ của năm 2024 theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP; giải quyết những vấn đề tồn đọng, kéo dài, nhất là những việc đã kéo dài 2-3 nhiệm kỳ trong khi chúng ta tại sao có việc thì lại giải quyết rất nhanh. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải thực hiện tinh thần “làm việc nào dứt việc đó” vì thời gian ít, nguồn lực có hạn, yêu cầu thì cao, công việc thì nhiều. Thủ tướng nhấn mạnh các trọng tâm tháng 5 này như chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương và kỳ họp tới của Quốc hội; cùng với đó, giải quyết các vấn đề đột xuất, bất ngờ như hạn hán, bão lũ…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, thể hiện qua 10 nhóm kết quả nổi bật:

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 4,4% so với cùng kỳ, tính chung 4 tháng tăng 3,93%. Tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, chủ động có biện pháp can thiệp, bảo đảm cân đối hài hòa với điều hành lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 4 tháng tăng lần lượt là 15,2%, 15% và 15,4% so với cùng kỳ; ước xuất siêu 8,4 tỷ USD; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc... đều tăng trưởng cao; các cân đối lớn được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân.

Tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%; vốn thực hiện đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo... của Việt Nam. Giải ngân đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65%), đã đưa lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2,5%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ giảm 2,9%). Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) tháng 4 đạt 50,3 điểm, số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 9% so với cùng kỳ, tính chung 4 tháng tăng 8,5% (3 tháng tăng 8,2%); khách quốc tế 4 tháng đạt gần 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ và tăng 3,9% so cùng kỳ năm 2019 (năm trước dịch Covid-19).

Tình hình đăng ký doanh nghiệp có dấu hiệu tích cực hơn. Trong tháng 4, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 15,3 nghìn doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (13,6 nghìn doanh nghiệp); doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và giải thể lần lượt giảm 20,2% và 10,9% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 81,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể là 25,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 5,3%...

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 tiếp tục tiếp tục chuyển biến tích cực, nhìn chung tốt hơn tháng 3 và 3 tháng đầu năm; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Về quan điểm định hướng chỉ đạo, điều hành thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết, mục tiêu mà Quốc hội đã giao, các Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của các cấp, các ngành. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, càng áp lực càng nỗ lực; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, ưu tiên cho tăng trưởng.

Nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; phản ứng chính sách kịp thời, nhanh nhạy, hiệu quả, linh hoạt hơn; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để khuyết điểm nhỏ tích tụ thành sai lầm lớn. Tăng cường đoàn kết, thống nhất; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc; chủ động giải quyết theo thẩm quyền, không trông chờ ỷ lại và kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền. Trong mọi trường hợp phải bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận của xã hội.

Trong mọi trường hợp phải bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận của xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tốt chuẩn bị tốt cho Hội nghị Trung ương và kỳ họp của Quốc hội sắp tới; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là các chính sách thuế để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; lưu ý không điều hành “giật cục” và chính sách tài khóa phải chủ động, tích cực hơn hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.

Bảo đảm hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất, sử dụng các công cụ sẵn có để điều hành mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý điều hành trong 2 lĩnh vực tiền tệ và tài khóa, đặc biệt là ứng dụng trong thu thuế, phí, lệ phí…

Phấn đấu quyết liệt tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước: đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu chi (phát huy kinh nghiệm thành công từ áp dụng cho hệ thống bán lẻ xăng dầu). Sớm trình cấp có thẩm quyền trong tháng 5 này về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, vàng…; xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công; không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương. Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Về đầu tư, cải cách, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, áp dụng chuyển đổi số tạo tạo thuận lợi thu hút, giải ngân đầu tư xã hội; tăng cường các dự án hợp tác công tư, thu hút FDI có chọn lọc…

Về xuất khẩu, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới (châu Phi, các nước GCC như UAE, Mỹ Latinh), tăng cường xuất khẩu thực phẩm Halal; đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics, tái cơ cấu lại các phương tiện vận tải…

Về tiêu dùng, tăng cường kết nối cung cầu, kích cầu tiêu dùng trong nước; tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh khuyến mại, giảm giá, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các ngân hàng cần có các gói thúc đẩy cầu trong nước; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, tạo liên kết vùng, kết nối vùng; có các cơ chế, chính sách cho các vùng.

Đẩy mạnh chuyển đổi số; các bộ, ngành phải có đề án như Đề án 06 (như Bộ Công an) vì đây là động lực mới. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế công khai, minh bạch trong vấn đề cấp phép thuốc, giảm bớt các thủ tục cấp phép trong lĩnh vực này, hạn chế xin-cho; phải đấu thầu công khai. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển xanh; kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, đặc biệt là lĩnh vực chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)… Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của bộ, ngành, địa phương.

Tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95%; đề nghị Quốc hội tách công tác giải phóng mặt bằng khỏi dự án; phân bổ sớm 33 nghìn tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024; đến hết ngày 15/5 này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại, nếu bộ, ngành nào không phân bổ được, rút về và bổ sung cho các dự án trọng điểm ngành giao thông. Kiên quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mỏ vật liệu xây dựng, đảm bảo cung ứng đủ cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía nam. Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, cơ chế “xin-cho”…

Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu, về công nghiệp: đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ.

Đặc biệt lưu ý bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống; triển khai hiệu quả Quy hoạch Điện VIII; đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để sớm đưa vào khai thác. Khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành cơ chế, chính sách đối với: mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu; phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ.

Về nông nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản; chú trọng công tác gỡ "thẻ vàng" IUU; chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết, bảo đảm đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, sinh hoạt của người dân; tổ chức thực hiện hiệu quả phòng, chống cháy rừng với phương châm “4 tại chỗ”.

Về dịch vụ, du lịch: phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; tiết giảm chi phí vận tải, logistics; đẩy mạnh thu hút du lịch; tăng cường quản lý giá dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, nhất là mùa du lịch hè sắp tới. Tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài; chủ động sản xuất trong nước; Bộ Y tế chú trọng xử lý 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân; tổ chức triển khai quyết liệt Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”, hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2025 chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; làm tốt công tác quản lý thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Liên quan vấn đề vàng, Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các cơ quan liên quan bàn vấn đề này; về vấn đề lương, Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề khó nhưng phải dứt khoát thực hiện 1/7/2024 tăng lương bảo đảm công bằng, tổng thể, bảo đảm thống nhất.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh; bảo đảm an ninh trật tự trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIV của Đảng, bảo đảm tiến độ, chất lượng; trong đó tập trung tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị đối với Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030 để trình Hội nghị Trung ương 9 sắp tới; khẩn trương sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp hành chính; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/du-bao-sat-tinh-hinh-thang-5-va-quy-ii-de-de-ra-cac-nhiem-vu-giai-phap-post807799.html