Dự án 'Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam': Giảm phát thải gần 1 triệu tấn CO2 mỗi năm

Sau 4 năm triển khai, dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam' giúp giảm phát thải gần 1 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Ngày 27/10 tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức tổng kết Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (Dự án VEEIE).

Sự kiện với sự tham gia của các đối tác, các đơn vị hưởng lợi từ dự án, các nhà tư vấn, các cơ quan quản lý nhà nước và một số tổ chức quốc tế liên quan, trong đó đặc biệt quan trọng là đại diện các Sở Công Thương - đơn vị quản lý nhà nước về tiết kiệm năng lượng, ngân hàng là các đơn vị cung cấp vốn thực hiện đầu tư, các đơn vị tư vấn tiết kiệm năng lượng và doanh nghiệp công nghiệp là những đơn vị triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong suốt 4 năm qua.

Dự án “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam” được triển khai từ năm 2018 đến năm 2022 với tổng kinh phí thực hiện sau điều chỉnh của dự án là 54,6 triệu USD, trong đó 52,9 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế hỗ trợ cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp do 2 ngân hàng tham gia dự án là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thực hiện và 1,7 triệu USD vay từ Hiệp hội Phát triển quốc tế do Bộ Công Thương quản lý để thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cần thiết trong quá trình thực hiện dự án.

Mục tiêu dự án là nhằm cải thiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho các ngành công nghiệp góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, TS Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương cho biết: “Sau 4 năm triển khai thực hiện, Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả, thành tích khả quan. Theo đó, 2 hợp phần của dự án đều được triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ. Hơn 100 doanh nghiệp đã được cung cấp, tiếp cận thông tin dự án trong đó có khoảng 50 doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp đã được nhận hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp từ dự án như đánh giá hiệu quả vận hành, tính toán tiềm năng tiết kiệm năng lượng, tính toán hiệu quả đầu tư cũng như đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng”.

TS Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị

Tham gia vào dự án, các doanh nghiệp đã tiếp cận được với nguồn vốn vay đầu tư để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sản suất và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo việc làm ổn định cho người lao động; các ngân hàng tham gia dự án nhận được các hỗ trợ về sàng lọc, nhận diện các dự án tiết kiệm năng lượng, tính toán mức tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp, đánh giá tính khả thi cũng như phân tích kinh tế và tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng.

Về tổng thể, dự án đã đạt được hoặc vượt so với mục tiêu và kết quả đặt ra: Lượng năng lượng tiết kiệm được hàng năm đạt 1,18 triệu MWh/năm, vượt 72,5% so với kế hoạch đề ra và lượng phát thải khí nhà kính tránh được hàng năm đạt khoảng 996.000 tấn CO2/năm, vượt 8,5% so với kế hoạch đề ra”, ông Phương Hoàng Kim cho biết.

Chuyển dịch năng lượng bao gồm phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là một trong những ưu tiên hàng hàng đầu của WB tại Việt Nam. Phát thải trong ngành năng lượng (cung/cầu) hiện chiếm khoảng 65% tổng lượng phát thải quốc gia và con số này sẽ lên trên 80% vào năm 2030 theo kịch bản thông thường.

Đại diện WB, ông Chu Bá Thi cho biết: "Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo như cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26, Việt Nam cần tích hợp ở mức cao các nguồn năng lượng tái tạo và đặc biệt phải thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.

Ông Chu Bá Thi cho rằng, Việt Nam cần tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy tiết kiệm năng lượng để đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050

Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng quốc tế thì các giải pháp hiệu quả năng lượng có thể tránh được 40-50% tổng lượng phát thải và ở Việt Nam theo nghiên cứu của WB nếu Việt Nam thực hiện toàn diện các giải pháp tiết kiệm năng lượng thì Việt Nam có thể tránh không phải xây dựng khoảng 13 GW các nguồn phát mới.

Ngoài ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng là các giải pháp có chi phí thấp nhất chỉ bằng 1/4 chi phí xây dựng các nguồn phát mới. Đặc biệt với các giải pháp tiết kiệm năng lượng cùng với các chương trình DMS quản lý nhu cầu năng lượng sẽ làm giảm chi phí đáng kể của hệ thống điện do giảm công suất đỉnh mà phải sử dụng các nguồn phát linh hoạt đắt đỏ.

Trong bối cảnh tình hình bất ổn về địa chính trị, cùng với đó là khủng hoảng toàn cầu về năng lượng đã làm cho giá năng lượng tăng cao thì tiết kiệm năng lượng lại càng trở lên quan trọng hơn, nó không những góp phần vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu mà còn giúp tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế do giảm chi phí năng lượng, phát triển xanh bền vững và giảm phát thải khí nhà kính”, ông Chu Bá Thi chia sẻ.

Cũng theo ông Chu Bá Thi, trong những năm qua WB đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương cùng các cơ quan của Chính phủ thực hiện nhiều chương trình, dự án bao gồm cả hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách và các dự án tài trợ tài chính nhằm thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam. Dự án Tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp Việt Nam là một dự án thí điểm có quy mô lớn nhất về đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam.

Hội nghị là cơ hội cho các bên cùng chia sẻ, phổ biến các kinh nghiệm triển khai đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp để có thể lan tỏa, nhân rộng nhằm đóng góp vào mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển kinh tế xã hội bền vững của Việt Nam.

Để ghi nhận những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp công nghiệp tham gia vào dự án, Bộ Công Thương và WB tại Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương và Cúp chứng nhận cho 11 doanh nghiệp đã ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong khuôn khổ của dự án.

Tiếp nối Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương hiện đang phối hợp với WB triển khai thực hiện Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE). Dự án này có tổng kinh phí 11,3 triệu USD do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ ủy thác qua WB quản lý.

Dự án với mong muốn và kỳ vọng tháo gỡ một số rào cản, vướng mắc hiện tại về quy định tiếp cận các nguồn vốn thương mại, tạo động lực huy động các nguồn lực tài chính, thúc đẩy các bên liên quan gồm doanh nghiệp công nghiệp, các ngân hàng thương mại tham gia triển khai dự án tiết kiệm năng lượng nhằm phát triển thị trường đầu tư cho tiết kiệm năng lượng.

Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam sẽ thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh tín dụng đối với các dự án đầu tư về tiết kiệm năng lượng thông qua Quỹ Chia sẻ rủi ro của Dự án và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội là đơn vị được Bộ Công Thương và WB lựa chọn là đơn vị thực hiện Chương trình quản lý và vận hành Quỹ Chia sẻ rủi ro.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-an-tiet-kiem-nang-luong-cho-nganh-cong-nghiep-viet-nam-giam-phat-thai-gan-1-trieu-tan-co2-moi-nam-224781.html