Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng

Xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) là vùng căn cứ địa của cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến, nơi đây đã hứng chịu biết bao đau thương, mất mát, người dân sống cảnh 'mưa bom bão đạn' vẫn kiên cường đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, góp phần cùng toàn dân tộc làm nên chiến thắng lịch sử 30-4-1975. Hơn 30 năm qua, cùng với sự phát triển của tỉnh, xã Mỹ Phước đã phát huy được truyền thống cách mạng hào hùng thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới.

Theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngãi, trước đây, nhân dân vùng Mỹ Phước sống theo các kênh rạch, trong đồng ruộng, chưa hình thành xóm làng. Đến khi Pháp cho đào kênh xáng lớn (kênh xáng Mỹ Phước), mới hình thành tuyến dân cư nhưng vẫn thưa thớt. Nông dân không có ruộng đất canh tác vì hầu hết do thực dân Pháp và địa chủ nắm giữ, chỉ lãnh ruộng để làm nên đói ăn, thiếu mặc. Có người đi khai hoang để cấy lúa nhưng dần dần cũng bị địa chủ lấn chiếm. Chính những áp bức, bất công, lòng yêu nước, cùng ánh sáng soi đường của Đảng, người dân Mỹ Phước đã kiên cường đứng lên cùng chống giặc ngoại xâm. Bằng trí tuệ, sự bền bỉ, dẻo dai suốt chặng đường dài kháng chiến chống Pháp, đánh Mỹ, Đảng bộ, quân và dân xã Mỹ Phước vinh dự, tự hào là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Sóc Trăng, được đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Nhưng trong niềm phấn khởi náo nức tự hào đó vẫn đan xen sự đau thương, mất mát của hàng trăm gia đình cách mạng trên quê hương Mỹ Phước, nhất là đau thương trong lòng của người chị, người mẹ mất chồng, mất con không gì bù đắp được.

Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy, nơi lưu dấu lịch sử chiến đấu anh dũng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Sóc Trăng, trong đó có sự đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Đất nước thống nhất, bước sang giai đoạn đổi mới, đến tái lập tỉnh Sóc Trăng, xã Mỹ Phước lúc bấy giờ vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của nghèo nàn và lạc hậu. Nếu trước đây kinh tế của người dân Mỹ Phước chủ yếu dựa vào cây lúa, số ít thì trồng tràm, có thời điểm chuyển sang trồng mía thì hiện nay bà con đã có những tiến bộ hơn trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng chí Lê Vũ Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước đánh giá rằng, dù Mỹ Phước là vùng sâu, không có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển nhưng nơi đây đã thích ứng, thuận theo tự nhiên để tạo ra giá trị kinh tế. Đổi thay lớn nhất là xã Mỹ Phước đã nắm bắt và tận dụng để mở rộng tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, kêu gọi đầu tư, hợp đồng bao tiêu sản phẩm tạo chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp; đến nay có 3 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác, vận động xã hội hóa được 2 trạm bơm phục vụ tưới tiêu với trị giá trên 5,7 tỉ đồng. Đồng thời, hướng dẫn cải tạo diện tích cây mía kém hiệu quả sang cây ăn trái, trồng màu có năng suất cao; chuyển đổi sang nuôi cá, nuôi ba ba, nuôi vịt trời đang dần chiếm ưu thế…

Chuyển đổi mô hình sản xuất là bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp ở xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Điển hình nhất cho sự chuyển đổi này là ấp Phước Thọ B, bà con đang từng bước phá thế độc canh cây lúa, chuyển sang mô hình nuôi cá, nuôi ba ba đang cho thu nhập ổn định. Anh Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ về mô hình: “Trước đây, nhà tôi làm 20 công đất ruộng, hơn 3 năm nay chuyển đổi 2 công sang mô hình nuôi ba ba. Ban đầu vốn hơi nặng nhưng chỉ cần 1 năm sau thu hồi lại rất nhanh, tôi chủ yếu bán ba ba con và bán trứng. Nếu so với diện tích 18 công đất ruộng và 2 công đất sử dụng nuôi ba ba thì nuôi ba ba tôi thấy có lời hơn. Tôi cũng đang cân nhắc khi đầu ra ổn định, lâu dài sẽ suy nghĩ đến việc mở rộng quy mô nuôi”.

Còn hộ anh Nguyễn Văn Hải thì xây dựng mô hình thả nuôi thủy sản khép kín, nuôi cá thát lát, cá sặc rằn, anh lắp đặt hệ thống tự động, đảm bảo tạo dòng chảy liên tục như dòng sông, có hệ thống hút phân và chất thải ở cuối hệ thống ao nuôi. Đặc biệt, mô hình được thiết kế đảm bảo cung cấp ôxy cho cá 24/24h và dự trù máy phát dự phòng đảm bảo hệ thống thổi khí luôn hoạt động. “Ở xã, 2 mô hình đang phát triển mạnh là nuôi ba ba (có tổ hợp tác), nuôi vịt trời (có hợp tác xã), góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt sản phẩm ba ba thịt đã hoàn tất thủ tục để công nhận sản phẩm OCOP. Sau vụ thu hoạch lúa này, nhiều hộ cũng bắt đầu đào ao chuyển đổi sang chăn nuôi, dự kiến là quy mô sẽ phát triển hơn, nhiệm vụ của địa phương là cố gắng tạo mối liên kết tiêu thụ, ổn định đầu ra, giá cả. Đây sẽ là hướng phát triển kinh tế mới ở Mỹ Phước” - đồng chí Nguyễn Minh Sang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước thông tin thêm.

Xã Mỹ Phước cũng phát huy lợi thế của khu di tích cấp quốc gia Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng tại rừng tràm Mỹ Phước. Tại đền tưởng niệm ghi danh hơn 14.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhà trưng bày với 400 hình ảnh, hiện vật, bao gồm các hình ảnh kháng chiến chống Mỹ của quân và dân tỉnh Sóc Trăng, quá trình xây dựng khu căn cứ, ảnh các đồng chí bí thư Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ; có nhà hội trường, 4 căn hầm nổi, 2 căn hầm chìm và nhà làm việc, nhà ăn được phục chế bằng bê tông… Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng tồn tại là một minh chứng lịch sử của Đảng bộ, khẳng định tình cảm và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Theo đồng chí Lê Vũ Phương, khi được đầu tư tuyến lộ nhựa về khu căn cứ thì địa phương cũng có đón được một số đoàn khách du lịch đến tham quan. Đến đây, du khách có thể thưởng thức những món ăn đồng quê, thử sức chèo xuồng ba lá với rừng cây mát rượi như trở về với “lá phổi xanh”. Do đó, xã Mỹ Phước đang cần được đầu tư nhiều hơn để phát triển tiềm năng về du lịch trong tương lai.

Đồng chí Trần Văn Tâm - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước cho biết, phát huy truyền thống yêu nước, bám đất, bám làng, Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Phước đã chung sức, đoàn kết một lòng khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương. Các công trình lộ Ông Ban, lộ kênh Giải Phóng, lộ phía bắc Nhu Gia, Huyện lộ 82… là những tuyến giao thông huyết mạch giúp xã Mỹ Phước thông thương buôn bán; điện, nước sạch, trạm bơm… phục vụ nhu cầu thiết yếu đã được phủ sóng ở vùng sâu nhất của xã. Xã cũng hoàn thành công tác xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cao quý ngàn đời của dân tộc. Trong xây dựng nông thôn mới đã đạt được 17 tiêu chí, dự kiến hoàn thành mục tiêu vào năm 2024. Nhân dân Mỹ Phước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, chí thú làm ăn, giảm hộ nghèo xuống còn hơn 3,36%; thu nhập bình quân đầu người 49 triệu đồng/năm.

Đảng bộ, quân và dân Mỹ Phước có được trang sử hôm nay là nhờ lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh của hàng trăm cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cách mạng và sự hy sinh của nhân dân với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Với khí thế đó, Đảng bộ, quân và dân xã Mỹ Phước quyết tâm cống hiến, thi đua xây dựng để vùng đất anh hùng thêm giàu, thêm đẹp.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-my-tu/doi-thay-o-vung-can-cu-cach-mang-56556.html