Đối phó thiếu điện, EVN trình Chính phủ phương án
EVN vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về đảm bảo cấp điện mùa khô.
Tăng than cho nhiệt điện
Trong những ngày qua, dù chưa vào cao điểm nắng nóng, song nhu cầu phụ tải tăng nhanh khiến nhiều địa phương phải cắt điện luân phiên.
Dự báo hệ thống điện miền Bắc không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600 - 4.900 MW, trong khi nguồn thủy điện bị hạn chế do lượng nước về các hồ thủy điện giảm mạnh.
Để đảm bảo cung ứng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, về nhiên liệu than sản xuất và chế biến trong nước, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (ĐB) đã giao khối lượng than tăng thêm, đảm bảo cho các nhà máy nhiệt điện than sản xuất với sản lượng điện cao hơn và dự trữ tồn kho cũng tăng thêm.
Trong đó, về nguồn than nhập khẩu, nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 4 được bổ sung thêm 120.000 tấn, đảm bảo phát đủ công suất của 3/3 tổ máy cho các tuần tiếp theo.
Cụm NMNĐ Duyên Hải 3 và 3 mở rộng được bổ sung 50.000 tấn, đảm bảo phát đủ 3 tổ máy từ 25/5/2023.
Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng huy động từ các nguồn nhiệt điện than tăng từ mức 459.7 triệu kWh/ngày (18/5), lên mức 484.8 triệu kWh/ngày (20/5), đáp ứng nhu cầu phụ tải và giữ nước các hồ thủy điện.
Về nhiên liệu khí, sản lượng khí cho điện chưa tăng thêm, còn thấp so với nhu cầu vận hành các nhà máy điện khí, do các mỏ khai thác đã suy giảm.
“Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ban hành Văn bản số 900, yêu cầu điều tiết các nguồn khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp khác (đạm, thấp áp) cho sản xuất điện; thỏa thuận với các chủ mỏ để khai thác, mua tăng sản lượng khí; nghiên cứu, xây dựng cơ chế sử dụng LNG cho sản xuất điện”, EVN nêu.
Nhập khẩu thêm điện, tăng nguồn điện gió, mặt trời
Không chỉ điều tiết các nguồn điện nội tại, EVN cho biết, đơn vị đã đôn đốc hoàn thành các thủ tục để sớm đóng điện các nhà máy năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) chuyển tiếp. Hiện có 15 nhà máy điện gió, mặt trời với tổng công suất 1.150MW đã ký tắt hợp đồng mua bán điện với giá tạm bằng 50% khung giá.
Ngoài ra, EVN còn tính mua thêm 70 MW điện từ Trung Quốc qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái trong các tháng 5,6,7. Trong đợt này, EVN cũng mua thêm 234 MW điện từ các nhà máy thủy điện của Lào...
Sẵn sàng các phương án, EVN cho biết, chiến lược huy động nguồn điện trong những ngày nắng nóng là vận hành tối đa nguồn than, dầu, khí để giữ mức nước các hồ. Tập trung duy trì và nâng dần mực nước các hồ thủy điện lớn phía Bắc.
Tuy nhiên EVN nêu khó khăn: Một số giờ cao điểm Miền Bắc có thể không đảm bảo điện do các nguồn lớn tập trung ở Miền Nam, trong khi phụ tải miền Bắc tăng cao hơn miền Nam, dẫn đến quá mức giới hạn truyền tải 500kV Trung Bắc.
Do đó, theo EVN giải pháp cho những thời điểm đó sẽ là tăng cường tiết kiệm điện, vận động khách hàng điều chỉnh thời gian sử dụng điện tại các giờ cao điểm nắng nóng. Những ngày qua, trung bình mỗi ngày giảm nhu cầu sử dụng điện khoảng hơn 5,9 triệu kWh/ngày (trong đó chiếu sáng công cộng tiết kiệm được khoảng 900 nghìn kWh/ngày).