Độc đáo Lễ hội Mục Đồng làng Phong Lệ năm 2024

Trong 2 ngày 7 và 8-5, tại thôn Phong Nam, UBND huyện Hòa Vang phối hợp UBND xã Hòa Châu phục dựng và tổ chức Lễ hội Mục Đồng làng Phong Lệ năm 2024. Lễ hội Mục Đồng gắn với Đình Thần Nông (thuộc làng Phong Lệ, xã Hòa Châu) là lễ hội độc đáo, duy nhất trên toàn quốc nhằm tôn vinh trẻ chăn trâu.

Lễ hội rước mục đồng làng Phong Lệ năm 2024.

Trẻ chăn trâu là nhân vật chủ chốt của lễ cúng đình và Cồn Thần.

Theo truyền khẩu, làng Phong Lệ xưa có một cồn cỏ. Ngày nọ, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng bị dính chặt xuống đất như có bàn tay ai đó níu lại. Người dân cho rằng có thần linh giáng hạ nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn. Từ đó, cồn có tên là Cồn Thần. Một hôm, có đàn trâu đi lạc lên cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm nhưng không trẻ nào hề hấn gì. Từ đó, tiếng lành đồn xa là Cồn Thần chỉ cho các trẻ chăn trâu đến gần mà thôi. Xóm Cồn về sau được gọi là xóm Đồng, là nơi tụ tập của các mục đồng trong làng. Xuất phát từ câu chuyện lạ lùng ấy, sau nhiều thế hệ dần hình thành một lễ hội dành riêng cho trẻ chăn trâu, gọi là Lễ hội Mục Đồng làng Phong Lệ, diễn ra vào ngày mồng một tháng Tư âm lịch hàng năm.

Các vị cao niên trong làng cho biết, Lễ hội mục đồng ban đầu được tổ chức vào các năm Tý, Mẹo, Ngọ, Dậu, nghĩa là 3 năm 1 lần, sau giãn dần ra 6 năm, rồi cuối cùng là 12 năm. Lần cuối cùng lễ hội dành cho trẻ chăn trâu này được tổ chức là vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Theo tìm hiểu của phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, sau 70 năm, mãi đến năm 2007, lễ hội này mới được phục dựng trở lại nhờ sự hỗ trợ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian TP Đà Nẵng cùng sự đóng góp của nhân dân và tiếp tục được tổ chức vào các năm 2010, 2014. Sau đó, vì lý do về kinh phí và một số nguyên nhân khác, lễ hội bị gián đoạn đến năm nay mới tổ chức trở lại. Hiện địa phương đã triển khai thực hiện đề án của huyện Hòa Vang về xây dựng làng văn hóa đặc trưng Phong Nam, đầu tư xây dựng nhà trưng bày nông cụ làng Phong Lệ; đặc biệt, xây dựng đề án phục dựng lại Lễ hội Mục đồng, cũng như quy hoạch, tôn tạo lại không gian văn hóa, di tích, di sản gắn với truyền thống của lễ hội độc đáo này và sẽ được tổ chức 3 năm 1 lần như trước đây.

Nghi thức quan trọng nhất của Lễ hội là rước Thần Nông từ Cồn Thần về đình Thần Nông; tiếp theo là lễ an vị thần; sau cùng là lễ rước Thần Nông dạo đồng Phong Lệ.

Lễ hội truyền thống rước Mục Đồng giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân làng Phong Lệ, là sản phẩm sáng tạo thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Bản sắc văn hóa trong Lễ hội rước Mục Đồng đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân làng Phong Lệ. Được biết, vào những thời điểm lễ hội không còn được tổ chức thường xuyên như trước, nhưng đình Thần Nông luôn được nhân dân làng Phong Lệ tổ chức lễ bái, thờ cúng, xứng đáng là nơi tôn nghiêm, là di tích đặc biệt của làng. Ngày rằm, mồng một hàng tháng đều cử người dọn dẹp, hương khói chu đáo.

Để tổ chức phục dựng và tổ chức Lễ hội năm nay, từ trước đó, làng Phong Lệ cùng các trường học trên địa bàn xã lựa chọn, tìm ra các mục đồng "khôi ngô tuấn tú" từ 10 tuổi trở lên. Trẻ chăn trâu là nhân vật chủ chốt của lễ cúng đình và Cồn Thần. Từ việc thu gom vật phẩm trong làng, đến nấu nướng, mua sắm dọn lễ,... đều do trẻ chăn trâu trong làng đảm trách. Các chức sắc cao niên trong làng chỉ đạo văn tế lễ. Sau lễ cúng tổ chức dọn tiệc ngay tại đình. Toàn bộ trẻ chân trâu và các vị chức sắc cao niên trong làng ngồi dự bình đẳng với nhau, không có sự phân biệt.

Trẻ em và dân làng Phong Lệ hóa thân thành những mục đồng trong ngày lễ hội.

Việc phục dựng thành công lễ hội rước Mục Đồng là dịp để tôn vinh nét đẹp văn hóa đa dạng của dân tộc Việt Nam, gìn giữ các giá trị vững bền, sức sống mãnh liệt trong cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, giá trị văn hóa phi vật thể. "Năm nay, lễ hội được tổ chức với 3 phần lễ, 1 phần hội. Đó là rước Thần Nông từ Cồn Thần về đình Thần Nông. Tiếp theo là lễ an vị thần, các chư phái tộc thay nhau vào đình dâng hương. Sau cùng là lễ rước Thần Nông dạo đồng Phong Lệ suốt 1 ngày" - Chủ tịch UBND xã Hòa Châu Lê Đức Hùng cho biết. Ngoài ra, lễ hội còn có hát mục đồng với mong muốn tạ ơn Thần Nông, các vị thần linh đã giáng hạ về làng, phò trì cho nhân dân được khỏe mạnh, no ấm, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi; các trò chơi dân gian và thưởng thức ẩm thực…

Tại lễ khai mạc Lễ hội, Đại tá, Nhà báo, Nhà văn Lê Anh Dũng- Phó Giám đốc Trung tâm và Phát triển Văn hóa Hùng Vương Việt Nam đã trao Bằng vinh danh cho Ban Quản lý di tích Đình Thần Nông, làng Phong Lệ.

Thanh Hoa

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/doc-dao-le-hoi-muc-dong-lang-phong-le-nam-2024-post294770.html