ĐHĐCĐ TPBank: Nợ xấu gia tăng, lãnh đạo lý giải nguyên nhân

Trong quý I/2023, nợ xấu tại TPBank tăng mạnh tới 84% so với cuối năm 2022. Vấn đề này đã được cổ đông chất vấn ban lãnh đạo tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Sáng nay 26/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2023, lãnh đạo ngân hàng này cho biết: "TPBank đạt hơn 1.700 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối trở thành điểm sáng với doanh thu đạt khoảng 150 tỷ đồng, nhờ tận dụng tốt các cơ hội thị trường. Tổng thu nhập hoạt động quý này của TPBank đạt trên 3.600 tỷ đồng, riêng thu nhập lãi thuần từ dịch vụ đạt 696 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ 2022".

Về chất lượng tài sản, theo báo cáo tài chính quý I: Đến ngày 31/3, TPBank đang có 2.497 tỷ đồng nợ xấu, tăng mạnh tới 84% so với cuối năm 2022. Trong đó, nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nhóm 3 (tăng gấp 3,1 lần) và nhóm 4 (tăng gần 64%). Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 0,84% hồi cuối năm 2022 lên 1,45% khi kết thúc quý I/2023.

Hôm nay (ngày 26/4), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Tại đại hội, cổ đông đề nghị ngân hàng chia sẻ nguyên nhân nợ xấu tăng mạnh? Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng cho biết: Tỷ lệ nợ xấu trong quý I có xu hướng tăng do theo CIC, khi ngân hàng có nợ xấu ở ngân hàng khác sẽ dẫn đến xếp vào nhóm nợ cao hơn dù vẫn trả đầy đủ nợ gốc và lãi cho TPBank. "Chúng tôi sẽ theo sát về nợ xấu và nợ nhóm 2 và có kế hoạch cụ thể để tăng cường công tác thu hồi nợ", ông khẳng định.

Bên cạnh đó, mới đây, NHNN đã ban hành thông tư 02 cho thấy NHNN và Chính phủ nhận thấy những tình hình thực tế trên thị trường về khả năng trả nợ của khách hàng và có những điều chỉnh phù hợp. Ngân hàng cũng lường trước khó khăn để quản trị tốt nhất về chất lượng tài sản để đảm bảo tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu trong mức cho phép để đảm bảo an toàn.

Tại đại hội, ngân hàng cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 22.016 tỷ đồng, tương đương tăng 39% thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2023.

Trả lời chất vấn của cổ đông về lý do tại sao không chia cổ tức lên 50% dù lợi nhuận vẫn còn, ông Đỗ Minh Phú cho hay, việc đưa ra con số tỷ lệ tăng vốn này, HĐQT phải căn cứ vào khả năng của vốn chủ sở hữu của ngân hàng, phần vốn muốn tăng thêm lấy từ nguồn lợi nhuận để lại.

"Chúng tôi đã cân nhắc và cảm thấy mức 39% lên hơn 22.000 tỷ đồng là phù hợp. Chúng tôi không muốn tăng hết tất cả mà để lại một phần dự trữ. Đây là mức tăng khá cao bình thường các ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ khoảng dưới 20%. Với phần lợi nhuận để lại, có nhiều phương án phân phối như tăng vốn chủ, đầu tư. Chúng tôi sẽ sử dụng lợi nhuận mà ngân hàng làm ra được để chia cho các cổ đông, làm sao để phần còn lại đảm bảo ngân hàng hoạt động ổn định", Chủ tịch TPBank cho biết.

Theo lãnh đạo TPBank, nếu ngân hàng tiếp tục hoạt động thuận lợi, đạt tăng trưởng cao, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện việc chia cổ tức cho các cổ đông bằng hai phần tiền mặt và cổ phiếu. Tỷ lệ chia cổ tức HĐQT sẽ cân nhắc theo từng thời điểm, nhưng phần tiền mặt sẽ chiếm đáng kể.

Với chủ trương tham gia tái cơ cấu Công ty Tài chính cổ phần Hanico - HAFIC, Chủ tịch Đỗ Minh Phú cho biết: Khi TPBank tham gia tái cơ cấu, vấn đề này đều có sự chuẩn bị và xem xét kỹ lưỡng. Hiện nay, chúng tôi hỗ trợ HAFIC theo phương án tự khắc phục, tự phục hồi. Nếu phương án hoàn tất thì TPBank sẽ có thêm 1 công ty tài chính tiêu dùng để đa dạng thêm hệ sinh thái của ngân hàng TPBank.

Hiện nay, hệ sinh thái của TPBank có CTCK (công ty liên kết góp vốn dưới 11%), Công ty quản lý quỹ (công ty con), và dự kiến là công ty tài chính tiêu dùng (công ty con).

Thông tin tới cổ đông về chất lượng trái phiếu doanh nghiệp, cũng như việc cấp tín dụng cho dự án "The Grand Manhattan" của Novaland, Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng cho biết: Các khoản TPDN của ngân hàng chỉ chiếm trên dưới 10% tổng dư nợ, đều có tài sản bảo đảo và được quản lý nghiêm ngặt như các khoản vay, nên không có vấn đề xấu xảy ra.

Đối với dự án "The Grand Manhattan" của Novaland, lãnh đạo TPBank cho biết, đến nay, đây là dự án duy nhất đã được tháo gỡ pháp lý và đã hoàn thành phần cất nóc cũng như triển khai kinh doanh tiếp.

“Dự án đã bán được gần 90%, chỉ còn 10% và nếu giảm giá xuống đến mức tối đa vẫn thừa khả năng trả nợ cho ngân hàng, kể cả phần cũ lẫn phần tài trợ thêm vốn lưu động để hoàn thiện tiếp công trình”, ông Hưng nói.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/dhdcd-tpbank-no-xau-gia-tang-lanh-dao-ly-giai-nguyen-nhan-1092245.html