Đăng ký xét tuyển sớm: Không biến lợi thế thành rủi ro
Xét tuyển sớm là hình thức tuyển sinh mở, tạo điều kiện và tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Song, việc xét tuyển chính thức phải chờ kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), lịch nhập học phải theo quy trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Kết quả trúng tuyển chỉ là tạm thời
Từ tháng 4/2023, các trường đại học (ĐH) trong toàn quốc bắt đầu thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 theo các phương thức tuyển sinh sớm. Tại ĐH Huế, 3 phương thức được công bố, gồm: Xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ) hoặc xét học bạ kết hợp với kết quả thi năng khiếu; xét tuyển theo phương thức riêng của các đơn vị đào tạo trong ĐH Huế; xét kết quả thi đánh giá năng lực năm 2023 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh hoặc kết quả thi đánh giá năng lực kết hợp với kết quả thi năng khiếu (áp dụng cho các ngành đào tạo của Trường ĐH Sư phạm). Tổng chỉ tiêu các phương thức tuyển sinh sớm lên đến hơn 5.600.
Xét tuyển sớm là các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT, như: Xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy hoặc các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng… Thí sinh xét tuyển theo các phương thức này sẽ nộp hồ sơ sớm theo quy định của từng trường và trường cũng có quyền công bố xét tuyển sớm. Tại hầu hết các cơ sở đào tạo ĐH trên cả nước đều mở cổng đăng ký xét tuyển sớm năm 2023. Kết quả xét tuyển sớm cũng sẽ được công bố sớm, trước thời điểm thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Tại ĐH Huế, dự kiến trước 17 giờ ngày 15/6/2023, Hội đồng Tuyển sinh sẽ công bố kết quả xét tuyển đợt 1 theo các phương thức tuyển sinh sớm”, TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, kết quả xét tuyển sớm chỉ là tạm thời và có điều kiện. Kết quả này chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc xét tuyển sớm vào các trường ĐH không đảm bảo thí sinh sẽ trúng tuyển vào trường đó. Bởi khi chưa thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chưa đủ điều kiện vào học ĐH. Như vậy, khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.
Theo đại diện các đơn vị đào tạo, cách hiểu sai có thể dẫn đến việc biến đăng ký xét tuyển sớm từ lợi thế thành rủi ro. Thực tế, trong mùa tuyển sinh năm ngoái, nhiều thí sinh cứ nghĩ mình đã trúng tuyển sớm, không cần đăng ký nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung. Có tình trạng thí sinh sau khi nhận được thông báo trúng tuyển của cơ sở đào tạo lại tưởng rằng như vậy đã hoàn thành quy trình xét tuyển, không kịp thời làm các thủ tục tiếp theo và bị ảnh hưởng đến quyền lợi học tập. Một số học sinh lại chủ quan với kỳ thi tốt nghiệp THPT nên không đủ điều kiện đỗ tốt nghiệp, đồng nghĩa với việc không đủ điều kiện trúng tuyển ĐH.
Theo các chuyên gia, xét tuyển sớm là lợi thế, giúp thí sinh giảm áp lực, cơ hội trúng tuyển cao… Tuy nhiên, thí sinh cần chủ động tìm hiểu thông tin và quy định của Bộ GD&ĐT về vấn đề này. Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, nếu được các cơ sở đào tạo thông báo trúng tuyển, thí sinh cần lưu ý, đây mới chỉ là kết quả trúng tuyển có điều kiện. Thí sinh cần tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo, trong đó phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH theo lịch chung của Bộ GD&ĐT, bắt đầu từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7. Đồng thời, các em vẫn phải bảo đảm điều kiện được công nhận tốt nghiệp THPT.
Không “ép” thí sinh xác nhận nhập học sớm
Theo hướng dẫn tuyển sinh ĐH năm 2023, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, công tác tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm được thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Quy chế tuyển sinh. Các cơ sở đào tạo phải cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống trước 17 giờ ngày 8/7/2023.
Các cơ sở chỉ xét tuyển sớm với các phương thức không sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong trường hợp phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 thì phải thực hiện xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, các cơ sở phải thông báo cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) để thí sinh có đủ thông tin và chủ động trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống.
Một điều mà cả đơn vị đào tạo lẫn thí sinh cần lưu ý là theo quy định của Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ các hồ sơ...). Tất cả các thí sinh trúng tuyển sớm phải được cơ sở đào tạo thông báo kết quả xét tuyển và đưa lên hệ thống để thí sinh chủ động lựa chọn thứ tự nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng hoàn toàn tùy thuộc vào thí sinh. Các trường ĐH không được phép yêu cầu thí sinh xác định nguyện vọng xét tuyển sớm là nguyện vọng 1.