Dân vận khéo - 'chìa khóa' xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Những năm qua, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phong trào 'Dân vận khéo' trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được huyện Thuận Châu nhân rộng, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu

hướng dẫn người dân xã Chiềng Pha chăm sóc cây ăn quả.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Chiềng Pha gặp không ít khó khăn, do thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên việc huy động nguồn vốn đóng góp trong nhân dân hạn chế. Đường giao thông liên bản, nội bản... chưa được đầu tư, xây dựng. Trước yêu cầu nhiệm vụ đề ra, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia. Thực hiện phong trào “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay người dân trong xã đã tự nguyện hiến trên 15.700 m² đất ở để làm đường giao thông nông thôn; đóng góp trên 5 nghìn ngày công lao động cùng nguyên vật liệu, tiền mặt để xây dựng các công trình trường học, nhà văn hóa bản, đường giao thông... tổng giá trị trên 10 tỷ đồng. Toàn xã đã bê tông hóa hơn 26 km đường trục chính của các bản và đường ngõ, xóm; vận hành hiệu quả 8 công trình thủy lợi, kiên cố trên 4 km kênh mương đảm bảo đủ nước tưới cho hơn 50 ha lúa; 100% số hộ dân được dùng điện lưới quốc gia và nước sạch hợp vệ sinh... Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Chiềng Pha ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm; đến nay, xã đạt 11 tiêu chí, 33 chỉ tiêu trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới của xã có phần đóng góp không nhỏ của công tác dân vận. Xác định “Dân vận khéo” là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, nên ngay từ khi triển khai chương trình, xã đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động để hội viên, đoàn viên và nhân dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong việc đóng góp sức người, sức của cùng tham gia xây dựng nông thôn mới; lồng ghép nội dung xây dựng nông thôn mới vào các cuộc họp, sinh hoạt của các chi tổ hội, đoàn thể, tùy theo chức năng, nhiệm vụ để xây dựng các mô hình phù hợp, hiệu quả. Nhất là trong việc làm đường giao thông nông thôn, xã phân công cán bộ xuống cơ sở để giải thích cho người dân hiểu về lợi ích của việc kiên cố, mở rộng đường giao thông, nhờ đó, người dân trong xã đã ủng hộ, có nhiều hộ gia đình đã hiến hàng nghìn mét đất để làm đường giao thông của bản.

Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới chỉ là một trong những mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả đang được các cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Châu triển khai thực hiện và nhân rộng thời gian qua. Giai đoạn 2016-2020, huyện Thuận Châu đã xây dựng 74 mô hình dân vận khéo, gồm: 4 mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh; 25 mô hình cấp huyện và 45 mô hình cấp cơ sở, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng củng cố hệ thống chính trị. Nét nổi bật của phong trào thi đua “Dân vận khéo” là huy động các đoàn thể, đơn vị, các xã, thị trấn tham gia phù hợp với nhiệm vụ chính trị và điều kiện thực tế ở địa phương, như các phong trào, cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; “Chi hội phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”; “Đoạn đường tự quản - trồng rau sạch”; “Phụ nữ tiết kiệm theo gương Bác” của Hội LHPN huyện; phong trào thi đua “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Nông dân thi đua xóa đói, giảm nghèo bền vững” của Hội Nông dân huyện. Phong trào “Thi đua Quyết thắng”; “Công an làm theo 6 điều Bác Hồ dạy” của lực lượng vũ trang huyện... Các mô hình “Dân vận khéo” ở cơ sở đã và đang phát huy tốt hiệu quả trong các lĩnh vực, phù hợp với đặc điểm tình hình tại địa phương, cơ quan, đơn vị, nhiều mô hình thể hiện được sự năng động, tích cực của cán bộ, đoàn viên, hội viên trong việc nắm bắt kịp thời chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước. Từ phong trào thi đua dân vận khéo ở Thuận Châu đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, như: Xây dựng gia đình không có ma túy của Chi hội phụ nữ bản Mảy, xã Chiềng Pấc; mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của chị Lò Thị Dưng, bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha; mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng, kinh doanh dịch vụ của gia đình bà Lò Thị Lên ở bản Thẳm, xã Tông Lạnh; mô hình lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện phong trào trồng chè trên đất dốc của xã Mường É, Phổng Lập; mô hình nuôi thủy sản của HTX nuôi trồng thủy sản xã Liệp Tè...

Dân vận khéo chính là “chìa khóa” đem lại sự thành công trong công tác vận động quần chúng thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện Thuận Châu tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm tập hợp, đoàn kết cán bộ, đảng viên và nhân dân chung sức, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dan-van-kheo--chia-khoa-xay-dung-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-34654