Cứu em bé 15 tháng tuổi bị cổng sắt đổ sập vào đầu

Bé gái 15 tháng tuổi được đưa vào viện trong tình trạng lơ mơ, đỉnh đầu và thái dương sưng nề, nhiều vết xước sau khi bị cánh cửa cổng sát đổ sập đè lên người.

 Trẻ được làm cận lâm sàng tại trung tâm y tế huyện rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên do tình trạng quá nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Unsplash.

Trẻ được làm cận lâm sàng tại trung tâm y tế huyện rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên do tình trạng quá nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Unsplash.

Tại thời điểm được đưa vào Trung tâm y tế huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), bé gái (15 tháng tuổi) lơ mơ, da xanh tái, niêm mạc hồng nhạt, buồn nôn. Vùng thái dương phải và đỉnh đầu trẻ sưng nề kèm theo nhiều vết trầy xước.

Theo thông tin từ gia đình, trẻ được đưa ngay vào viện sau khi bị cổng sắt đổ sập vào đầu, người thân cũng chưa kịp xử trí, sơ cứu cho bé.

Kết quả chụp CT tại trung tâm y tế cho thấy trẻ có máu tụ dưới màng cứng vùng trán - thái dương - đỉnh phải, kích thước 4,5x76x78 mm, nặng 13 gram. Bên cạnh đó, trẻ cũng có hiện tượng tụ khí nội sọ vị trí hố thái dương phải và máu tụ dưới màng cứng thùy thái dương trái kích thước khoảng 1,5x15x12 mm, xóa các rãnh cuộn não thùy thái dương đỉnh phải.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng phát hiện đường gãy xương hộp sọ lớn, kéo từ trước ra sau, dài 10 cm. Đường gãy di lệch 5,8 mm, giãn khớp trán đỉnh hai bên 3-4,5 mm. Máu tụ dịch phần mềm dọc theo đường gãy xương.

 Đường gãy lớn trên xương hộp sọ trẻ sau khi bị cổng sắt đè. Ảnh: BVCC.

Đường gãy lớn trên xương hộp sọ trẻ sau khi bị cổng sắt đè. Ảnh: BVCC.

Nhận thấy đây là trường hợp nghiêm trọng, các bác sĩ Trung tâm y tế huyện Thanh Sơn đã khuyên gia đình đưa trẻ lên bệnh viện tuyến trên điều trị, tránh để lại các biến chứng nặng nề.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Đinh Đại Lâm, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, tụ máu ngoài màng cứng là một thể bệnh của chấn thương sọ não.

Hiện tượng này rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tính mạng người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ. Việc phát hiện và theo dõi ở các bệnh nhi cũng khó khăn vì các bé khó nhận biết và cha mẹ thường chủ quan.

"Kết quả điều trị cũng phụ thuộc nhiều vào việc phát sớm hay muộn. Sau điều trị, trẻ có thể gặp di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ sau này", bác sĩ Lâm cho biết.

Bác sĩ cũng khuyến cáo các phụ huynh cần chú ý tới trẻ trong sinh hoạt hàng ngày, tránh các va đập không mong muốn ảnh hưởng tới vùng đầu. Nếu gặp các vấn đề không mong muốn về sức khỏe, trẻ cần được đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế uy tín để kịp thời phát hiện và điều trị, tránh gặp các biến chứng về sau.

Ngoài các tai nạn sinh hoạt, trẻ em cũng rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm vào thời điểm này do được nghỉ hè, trẻ được thoải mái vui chơi. Trong khi đó, đây là thời điểm thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus... phát triển.

Do đó, nếu không đảm bảo vệ sinh cơ thể và môi trường tốt, các bé dễ mắc những bệnh như tiêu chảy cấp, sốt virus, sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm màng não, ngộ độc thức ăn, rôm sảy... Một số bệnh có thể diễn tiến âm thầm và trở nặng nhanh chóng.

Phụ huynh cần để ý và theo dõi sát con mình. Nếu có những biểu hiện bất thường, trẻ cần được đưa vào bệnh viện nhanh chóng để kịp thời phát hiện và điều trị nếu mắc bệnh.

Bên trong trực thăng cấp cứu tại TP.HCM Ngay trong đêm, tổ cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175 bay ra Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đưa 2 bệnh nhân có tình trạng nặng về đất liền điều trị.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cuu-em-be-15-thang-tuoi-bi-cong-sat-do-sap-vao-dau-post1480352.html