Cuối năm mưa bão dồn dập, thiên tai sẽ khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong thời gian tới, nhiều nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021; cần đề phòng bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh trong các tháng cuối năm.

Năm 2022, do ảnh hưởng bởi La Nina, nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021. Trong đó, mưa lớn có thể tập trung nhiều, dồn dập vào thời điểm cuối năm. Những cơn bão cũng có khả năng sẽ có quỹ đạo và cường độ bất thường. Ngay từ đầu năm 2022 đã ghi nhận đợt mưa lớn trái mùa ở khu vực Nam Trung Bộ gây thiệt hại về người và tài sản.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia), cho biết, những ngày vừa qua, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ bước vào đợt mưa lớn diện rộng hiếm có, trong đó cao điểm là mưa lớn diện rộng vào ngày 24/5. Tính đến nay, đợt mưa lớn này đã bước vào giai đoạn cao điểm nhất.

Bắt đầu từ ngày 25/5, tình hình mưa lớn sẽ có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, ở khu vực miền núi Bắc Bộ vẫn còn mưa dông trên diện rộng; cục bộ có những điểm có nguy cơ mưa to; thời gian mưa tập trung vào chiều tối đến đêm.

Mưa lớn đã gây ngập sâu nhiều tuyến đường tại các tỉnh miền Bắc trong những ngày qua. (Ảnh internet)

Do mưa lớn đã xảy ra trong thời gian qua và có khả năng xảy ra mưa dông nhiều ngày tới nên ở vùng núi và trung du Bắc Bộ cần đề phòng các loại hình thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở, ngập úng tại các khu vực trũng.

Cùng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, tác động của biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng lên. Hiện tượng ENSO đang ở trạng thái La Nina (pha lạnh) và dự báo còn tiếp tục duy trì đến hết mùa hè năm 2022 với xác suất 65 - 70%. Dự báo của các mô hình toàn cầu, La Nina thậm chí kéo dài đến mùa thu như với xác suất thấp hơn, 50 - 55 %.

Theo đó, dự báo mùa mưa năm nay bắt đầu sớm hơn ở Bắc bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Trong đó, Bắc bộ có mưa nhiều, cao hơn lượng mưa trung bình nhiều năm và đề phòng các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra từ khoảng tháng 6 - 8. Các tỉnh Trung bộ khả năng sẽ xuất hiện các đợt mưa lớn gây lũ và ngập lụt xảy ra trong các tháng 10 - 11.

“Na Lina kéo dài trong năm 2022 thì cần cảnh giác, nguy cơ sẽ xuất hiện những cơn bão mạnh, nguy hiểm và diễn biến rất phức tạp”, ông Khiêm nhận định.

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, dự báo từ tháng 5 đến tháng 11 năm nay có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông. Trong đó, khoảng 4 - 6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Trong khi mức trung bình nhiều năm có khoảng 12 - 14 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và có khoảng 5 - 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, cần đề phòng bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh trong các tháng cuối năm.

Trong các tháng mùa mưa bão, lượng mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (tập trung từ tháng 7 đến tháng 9). Trong khi đó, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Từ khoảng tháng 10 và 11, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa có xu hướng gia tăng. Cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10 và 11. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Trước các hiện tượng thiên tai bất thường do biến đổi khí hậu kể trên, đại diện Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết: Trong ngắn hạn, cơ quan này theo dõi chặt chẽ các loại hình thiên tai, ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo sớm khi thiên tai có dấu hiệu xuất hiện và cập nhật theo sát diễn biến thiên tai để các cơ quan hữu quan và người dân có kế hoạch chủ động ứng phó.

Bên cạnh đó, cơ quan khí tượng quốc gia sẽ tiếp tục nghiên cứu đánh giá đầy đủ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đến sự bất thường và sự gia tăng cường độ của các thiên tai để có thể bổ sung thông tin vào các mô hình, phương án dự báo.

Mưa lũ kéo dài khiến nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước, giao thông ách tắc, cây trồng vật nuôi bị cuốn trôi, nhiều công trình kiên cố bị sạt lở... Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, tính đến cuối ngày 24/5, đợt mưa lớn ở các tỉnh miền Bắc đã làm 1 người ở Tuyên Quang tử vong do sạt lở đất.

Thống kê nhanh tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình có 43 nhà hư hỏng do ảnh hưởng của sạt lở đất. Trong đó, về nông nghiệp là ngập, thiệt hại 973ha lúa, hoa màu và 11ha thủy sản; chết 20 gia súc, 775 gia cầm.

Về giao thông và thiệt hại khác là ngập, sạt lở 3.911m3 đất đá một số tuyến đường giao thông; sạt lở 480m tường rào và một số thiệt hại khác. Mưa lớn cũng gây ngập sâu nhiều tuyến đường ở các thành phố thuộc các tỉnh thành: TP.Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang...

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/cuoi-nam-mua-bao-don-dap-thien-tai-se-khoc-liet-va-kho-du-doan-hon-nam-2021-67411.html