Công ty gia đình phát minh ra que lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 từ chối tất cả những lời mời mua lại

Nhờ que test Covid-19, bà Stefania Triva, Giám đốc điều hành công ty Copan đã trở thành tỷ phú. Mặc dù nhận được vô số lời đề nghị mua lại, bà vẫn giữ vững quyền sở hữu của gia đình bà đối với công ty.

Sự tinh tế của một sản phẩm tiên phong

Vào một ngày đầu tháng Giêng đầy sương ở thành phố Brescia, thuộc miền bắc nước Ý (nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch Covid-19 đầu tiên của năm 2020) bà Stefania Triva (57 tuổi) đặt hai que lấy mẫu bên cạnh nhau trên bàn làm việc. Một là loại tăm bông thông thường và loại còn lại là que lấy mẫu đặc biệt có đính các sợi tổng hợp nhỏ, trông giống như những sợi tóc bị chẻ ngọn ở trên đỉnh.

Bà Stefania Triva - Người sở hữu công ty gia đình tạo ra que lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Bà Stefania Triva - Người sở hữu công ty gia đình tạo ra que lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Chiếc que lấy mẫu đặc biệt này đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với hàng trăm triệu lượt xét nghiệm PCR trên toàn thế giới. Đây chính là sản phẩm của công ty Copan – công ty có thâm niên 43 năm trong ngành sản xuất tăm bông của gia đình cô sáng tạo ra. Ngồi trước một bức tranh trừu tượng lớn với những mảng màu vàng và đỏ cùng với tấm hình ba đứa con cô, Triva nghiên cứu thật kỹ những khác biệt vô cùng tinh tế khiến cho tăm bông của cô trở thành sản phẩm sở hữu tiêu chuẩn vàng của ngành này.

Bà cho biết: “Với sản phẩm tăm bông thông thường, sợi bông được xoắn xung quanh que, tạo thành vùng giữ mẫu thử. Nhưng loại này chỉ cho ra 20% lượng mẫu trong quá trình test. Trong khi đó, dựa vào cơ chế sợi gắn vào que, que lấy mẫu phủ sợi có thể cho đến 80% mẫu thử trong quá trình test.”

Được công ty Copan phát minh vào năm 2003, những que lấy mẫu thử dạng sợi đã giúp công ty phát triển vượt bậc. Trong năm 2020, công ty đã sản xuất được 415 triệu que, cao gấp đôi so với năm 2019.

Hiện tại, Copan có khả năng sản xuất 1 tỷ que này mỗi năm. Vào năm 2020, lợi nhuận ròng của công ty tăng gần gấp 5 lần từ 79 triệu USD lên 372 triệu USD. Năm 2021, doanh thu của doanh nghiệplên đến 445 triệu USD. 84% doanh thu của công ty này đến từ các loại que lấy mẫu phủ sợi được dùngtrong hơnt một tỷ xét nghiệm phân tử được tại những phòng khám và văn phòng bác sĩ trên khắp thế giới kể từ đầu đại dịch.

Giữ vững truyền thống gia đình

Thành công này đã đưa Triva trở thành tỷ phú với tổng tài sản trị giá khoảng 1,2 tỷ USD. Bà nắm khoảng 48% cổ phần tại Copan, trong khi đó số cố phần còn lại của công ty được năm thành viên khác trong gia đình bà với tổng giá trị vào khoảng 1,3 tỷ USD.

Sự thành công của Copan đã thu hút được sự chú ý của nhiều quỹ đầu tư. Mặc dù chứng kiến sự bùng nổ của các thương vụ SPAC và các đợt IPO ở cả thị trường trong nước và quốc tế, Triva vẫn không có ý định chuyển đổi công ty từ hình thức sở hữu gia đình sang hình thwusc sở hữu đại chúng.

Triva chia sẻ: “Khi trở thành một công ty đại chúng, khả năng đưa ra quyết định và chiến lược kinh doanh của bạn sẽ bị giới hạn. Chúng tôi có nền tảng tài chính vững vàng và độc lập. Chính vì vậy, chúng tôi có thể phát triển hoạt động kinh doanh mà không cần phải tìm nguồn tài trợ từ bên ngoài.” Sự tăng trưởng của Copan trong hai năm qua giúp công ty có thể tiếp tục mở rộng kinh doanh nhưng vẫn giữ vững được quyền sở hữu của gia đình.

Công ty Copan được cha của Triva, ông Giorgio Triva thành lập vào năm 1979 tại thành phố Mantua, thuộc miền bắc nước Ý. Ban đầu, công ty chỉ phân phối những sản phẩm phục vụ cho phòng thí nghiệm do các công ty khác sản xuất. Năm 1982, công ty bắt tay vào tự sản xuất tăm bông và sau đó là nhiều sản phẩm khác nữa.

Gây được tiếng vang nhờ doanh số bán hàng lớn, Copan bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài. Năm 1995, Copan mở công ty con ở California. Và ba năm sau đó, Copan đã chuyển trụ sở công ty đến địa điểm hiện tại – thành phố Brescia.

Năm 2000, Daniele Triva (anh trai của Stefania) đã tiếp quản vị trí chủ tịch công ty sau cái chết của cha ông. Và với phát kiến của mình vào năm 2003, Daniele đã mở ra một trang hoàn toàn mới cho sự phát triển của công ty.

Khi đi mua sắm đồ mùa đông, Daniele nhận thấy rằng những dải sợi nylon trên móc quần áo bám chặt vào vải và tự hỏi rằng liệu có thể áp dụng được điều này vào những que lấy mẫu thử hay không.

Ông đã thách các kỹ thuật viên của mình thiết kế ra loại que lấy mẫu thử có khả năng hoạt động như một miếng bọt biển và cho ra nhiều mẫu hơn trong qua trình xét nghiệm, so với tăm bông thông thường. Và phần thưởng cho họ là một chầu pizza miễn phí!

Từ đây, Copan trở thành công ty tiên phong trong lĩnh vực sản xuất que lấy mẫu phủ sợi mà chúng ta đang dùng rất phổ biến ngày nay. Phát kiến này đã tạo ra một cuộc cách mạng trong chẩn đoán, khiến cho việc xét nghiệm các bệnh nhiễm trùng do vi rút và vi khuẩn trở nên dễ dàng hơn. Kể về sự khác biệt này, Triva nhăn mặt cho biết: “Trước khi có que lấy mẫu phủ sợi, người ta dùng dây nhôm để lấy mẫu mũi.

Copan đã mở rộng nhà máy ở California và mở văn phòng tại Thượng Hải trong thập kỷ tiếp theo. Năm 2007, công ty bắt đầu đầu tư vào những sản phẩm tự động hóa. Một trong số đó là loại máy độc quyền mang tên Bộ xử lý mẫu không can thiệp (walk-away specimen processors) với khả năng làm việc 24/7 và công suất xử lý tự động hàng nghìn mẫu mỗi ngày.

Năm 2014, Daniele qua đời ở tuổi 54 sau 7 tháng chiến đấu với căn bệnh ung thư và Stefania bắt đầu tiếp quản vị trí của ông. Đó là một giai đoạn vô cùng đen tối với công ty, nhưng Stefania không nghĩ đến việc từ bỏ. Bà đã gặp gỡ tất cả các nhân viên lâu năm của công ty và kêu gọi mọi người chung tay: “Chúng ta chỉ có thể làm được điều này nếu làm cùng nhau.”

Dưới sự lãnh đạo của bà, Copan đã không ngừng phát triển. Vào năm, công ty đã thành lập một trung tâm kỹ thuật mới gần trụ sở chính và sau đó đã mở các văn phòng và nhà máy mới ở Nhật Bản, Úc và Puerto Rico.

Đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia trong đại dịch, Copan đã thuê thêm hàng trăm công nhân để có thể đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến, đồng thời bố trí nhân viên làm việc liên tục bảy ngày một tuần để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm của chính phủ Ý và chính phủ Hoa Kỳ.

Nhớ lại thời kỳ Brescia và các tỉnh xung quanh ghi nhận hàng chục cái chết liên quan đến Covid mỗi ngày, Triva nói: “Covid-19 đã thảm sát Brescia, nhưng chúng tôi thì luôn ở đó. Tất cả những gì bạn có thể nghe thấy là tiếng còi xe cứu thương, nhưng chúng tôi thì vẫn làm việc, kể cả vào cuối tuần và ngày lễ.”

Công ty cũng thực hiện nhiều phát kiến trong lĩnh vực robot. Máy UniVerse là một trong số đó với khả năng tự động hóa trong việc chuẩn bị mẫu xét nghiệm, giúp các kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm tiết kiệm sức lao động, giảm tình trạng lao lực. Máy này không chỉ được áp dụng trong đại dịch Covid-19 mà còn được dùng trong xét nghiệm cả những loại bệnh truyền nhiễm khác nữa như bệnh lao,..

Copan cũng vừa tung ra một loại máy giúp cắt giảm 80% thời gian chẩn đoán đối với các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh gây ra. Trí tuệ nhân tạo được tích hợp sẵn giúp hệ thống luôn hoạt động trơn tru. Xét nghiệm có thể hoàn thành trong vòng bốn giờ và những mẫu âm tính sẽ được tự động cho vào thùng rác.

Chiến lược kinh doanh của Copan dường như đang rất hiệu quả: Trong chín tháng đầu năm 2021, doanh thu bộ phận tự động hóa của công ty đã đạt 54 triệu USD, tăng 39% so với năm trước và vượt xa doanh thu của cả năm 2020. Công ty cho biết hiện nay bộ phận này chiếm gần một phần năm tổng doanh số bán hàng.

Triva cho rằng thành công này gắn liền với công lao của toàn bộ đội ngũ cán bộ công nhân viên và sự cống hiến của anh trai bà: “Daniele đã xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp, không chỉ cho tôi mà cho toàn bộ công ty.” Và chắc chắn rằng khi Triva còn nắm quyền, bà vẫn sẽ giữ vững quyền sở hữu công ty và truyền thống đó trong gia đình mình.

Hường Hoàng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cong-ty-gia-dinh-phat-minh-ra-que-lay-mau-xet-nghiem-covid-19-tu-choi-tat-ca-nhung-loi-moi-mua-lai-1644988969693.htm