Công tác tuyên truyền biển, đảo chỉ có mở đầu, không có kết thúc

Đó là khẳng định của Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân về công tác tuyên truyền biển, đảo.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Theo Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, năm 2023, công tác tuyên truyền biển, đảo (TTBĐ) của Quân chủng còn nhiều khó khăn chi phối. Song, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Quân chủng đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đề cao trách nhiệm, tích cực, chủ động tổ chức phối hợp, triển khai hiệu quả công tác TTBĐ gắn với thực thi quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị QCHQ (đứng giữa) trao đổi với đại biểu tham dự sơ kết công tác phối hợp TTBĐ với Cục Hậu cần Hải quân. Ảnh: CTV

Nổi bật, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, thường xuyên cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, đấu tranh kiên quyết, kiên trì với các hoạt động xâm phạm, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, góp phần giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Đặc biệt, Quân chủng đã thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình trên biển, làm tốt công tác dự báo, đánh giá và kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, đối sách và trực tiếp xử trí hiệu quả các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện cho biết, Quân chủng Hải quân đã chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển tổ chức tuyên truyền đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động xâm phạm, khảo sát, thăm dò trái phép của nước ngoài trên các vùng biển nước ta; hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng thực thi pháp luật trên biển làm tốt công tác kiểm soát, truyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU.

"Qua đó đã góp phần giảm thiểu tình trạng tàu cá nước ta khai thác hải sản trái phép trên các vùng biển nước ngoài, nhất là vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực, giảm 35 vụ/57 tàu so với năm 2022" - Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện thông tin.

Lực lượng Hải quân hỗ trợ nhiều trường hợp ngư dân gặp nạn trên biển. Ảnh: CTV

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân, Quân chủng đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh giáo dục quốc phòng thông qua các hoạt động ngoại khóa gắn với TTBĐ; làm tốt công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ, bảo vệ, giúp đỡ ngư dân trên các vùng biển, đảo, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, đã phối hợp tổ gần 2.000 buổi hoạt động ngoại khóa; tổ chức 170 đợt tìm kiếm cứu nạn, kịp thời cứu nạn 14 tàu cá và 190 ngư dân; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho ngư dân tổng giá trị hàng tỷ đồng; nhận đỡ đầu 159 cháu là con ngư dân, với mức hỗ trợ tối thiểu là 500.000đ/cháu/tháng, các hoạt động trên được dư luận đánh giá rất cao và tạo hiệu ứng xã hội tốt.

"Công tác tuyên truyền đối ngoại quốc phòng được Quân chủng triển khai sâu rộng, hiệu quả, thông qua nhiều hoạt động hợp tác song phương, đa phương bảo đảm đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, qua đó góp phần nâng cao sự hiểu biết, tăng cường lòng tin và nâng cao uy tín, vị thế của Quân đội, Hải quân Nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế" - Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện nói thêm.

Công tác tuyên truyền biển, đảo chỉ có mở đầu, không có kết thúc

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân khẳng định: "Công tác tuyên truyền biển, đảo chỉ có mở đầu, không có kết thúc". Vì vậy, để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, thời gian tới, Quân chủng Hải quân sẽ tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đồng thời chủ động nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình trên biển để nâng cao khả năng phân tích, đánh giá, dự báo, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, giải pháp chiến lược; xử lý linh hoạt, đúng đối sách các tình huống phức tạp trên biển, không để bị động, bất ngờ. Kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khi có tình huống phức tạp trên thực địa.

Đoàn công tác của Vùng 5 Hải quân tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, tặng cờ Tổ quốc và phao cứu sinh cho ngư dân. Ảnh: CTV

Thứ hai, chỉ đạo các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển kịp thời phát hiện, tuyên truyền đấu tranh kiên quyết với các lực lượng có hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của ta trên các vùng biển, đảo; tuyên truyền, vận động ngư dân không khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Phát huy tốt các âu tàu, làng chài trên quần đảo Trường Sa và các lực lượng làm nhiệm vụ trên các tuyến đảo, nhà giàn để sẵn sàng giúp đỡ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, luôn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện tốt chương trình phối hợp TTBĐ đã ký kết với các địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó tập trung vào nâng cao chất lượng các hội nghị, hội thảo, triển lãm; tổ chức các đoàn đại biểu đi thăm quần đảo Trường Sa, nhà giàn DKI và các tuyến đảo trên cả nước; kết hợp công tác tuyên truyền với tổ chức tốt các phong trào, cuộc vận động hướng về biển, đảo do Trung ương, địa phương và đơn vị phát động.

Thứ tư, phối hợp tuyên truyền về các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, Quân đội và Quân chủng; tuyên truyền về những tấm gương, điển hình về ý chí, quyết tâm, trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với quân, dân huyện đảo Trường Sa nhà giàn DKI và các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

An Diệp - Đức Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-tac-tuyen-truyen-bien-dao-chi-co-mo-dau-khong-co-ket-thuc-294026.html