Công đoàn tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế số ngành Công Thương

Công đoàn không thể đứng ngoài việc vận dụng, phát triển kinh tế số để đơn giản hóa nhiệm vụ, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Đó là khẳng định của bà Phạm Thanh Hương, Phó Chủ tịch Công đoàn Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tại Đại hội Công đoàn Bộ Công Thương lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra ngày 21/7.

Bà Hương cho biết,kinh tế số ngày càng trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, đây là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nắm bắt được xu hướng này, coi việc phát triển kinh tế số là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng phát triển đất nước. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đẩy mạnh cuộc cách mạng chuyển đổi số. Theo đó, ngày 6/7/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phê duyệt “Đề án phát triển Kinh tế số ngành Công Thương giai đoạn đến 2030” (ban hành kèm theo Quyết định 1753/QĐ-BCT).

Với xu hướng tất yếu và chủ trương chính sách nêu trên, yêu cầu đặt ra đối với toàn thể cán bộ, công chức, công đoàn viên ngành Công Thương là cần có nhận thức đúng đắn về vai trò của kinh tế số - như là một công cụ hữu hiệu trong việc phát triển ngành.

Bà Phạm Thanh Hương, Phó Chủ tịch Công đoàn Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu tại Đại hội Công đoàn Bộ Công Thương lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Bà Phạm Thanh Hương, Phó Chủ tịch Công đoàn Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu tại Đại hội Công đoàn Bộ Công Thương lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Bà Hương cho biết, mọi tổ chức, cá nhân, đoàn thể không thể đứng ngoài việc vận dụng, phát triển kinh tế số để đơn giản hóa nhiệm vụ quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Với mong muốn tiến trình kinh tế số ngành Công Thương đạt được kết quả tốt đẹp trong thời gian tới, đồng thời nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong phát triển kinh tế số ngành Công Thương, bà Hương kiến nghị:

Thứ nhất, Công đoàn Bộ Công Thương và các Công đoàn cơ sở quan tâm tham gia xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, môi trường pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số ngành Công Thương.

Công đoàn chủ động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để phát triển hạ tầng số, doanh nghiệp số

Công đoàn chủ động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để phát triển hạ tầng số, doanh nghiệp số

Thứ hai, kiến nghị Công đoàn Bộ thường xuyên tổ chức các chuyên đề tập huấn để các Công đoàn viên ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ số trong việc quản lý, điều hành hoạt động chuyên môn. Đặc biệt trong bối cảnh Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển, việc học tập, ứng dụng phù hợp cũng là vấn đề đặt ra.

Bà Hương cũng thông tin thêm, ngày 26/7 tới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Đoàn thanh niên Bộ tổ chức Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo- Cơ hội và thách thức đối với Thế hệ trẻ Ngành Công Thương”, kính mời các tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên cơ sở hưởng ứng tham gia.

Thứ ba, để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, mỗi Công đoàn viên cần là “lính xung kích” trong việc chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng, để tạo niềm tin, bảo vệ lợi ích, sức khỏe của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ tư, Công đoàn Bộ Công Thương kêu gọi các tổ chức Công đoàn đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua việc ứng dụng triệt để dịch vụ công trực tuyến mà Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng nền tảng; thực hiện số hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh cập nhật các dữ liệu hiện có của Bộ Công Thương, đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống” như chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Nhóm phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-doan-tham-gia-tich-cuc-vao-qua-trinh-phat-trien-kinh-te-so-nganh-cong-thuong-263280.html