Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại

Chứng khoán liên tục đi xuống từ đầu tháng 11, trước áp lực từ diễn biến tỷ giá và sự thận trọng của nhà đầu tư. Song giới phân tích cho rằng đà giảm chỉ trong ngắn hạn, thị trường sẽ sớm phục hồi.

Diễn biến VN-Index từ đầu năm 2024 đến nay. Ảnh: Trading View

Diễn biến VN-Index từ đầu năm 2024 đến nay. Ảnh: Trading View

VN-Index về gần ngưỡng 1.200 điểm

Sau giai đoạn giằng co gần ngưỡng 1.300 điểm trong hai tuần đầu tháng 10, chứng khoán liên tục chốt phiên trong sắc đỏ hơn một tháng gần đây.

VN-Index lùi về ngưỡng 1.250-1.260 điểm trong giai đoạn cuối tháng 10 – đầu tháng 11. Sau hơn một tuần giằng co, chỉ số của sàn HoSE có nhịp bật lên sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, đạt trên 1.260 điểm, trước khi thu hẹp dần sắc xanh. Đến giữa tháng 11, VN-Index lùi về quanh ngưỡng 1.215-1.220 điểm, giảm khoảng 6% so với mức đỉnh giữa tháng 10.

Theo giới phân tích, diễn biến tỷ giá tăng nhanh gần đây, dẫn tới áp lực bán ròng của khối ngoại và ảnh hưởng tâm lý thị trường, cùng sự thận trọng của nhà đầu tư trong nước là hai nguyên nhân chính khiến thị trường đi xuống.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 11, khối ngoại đã bán ròng hơn 9.000 tỷ đồng trên HoSE. Quy mô bán ròng từ đầu năm 2024 đến nay trên sàn này ở mức hơn 70.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Chuyên gia kinh tế cấp cao của Dragon Capital cho rằng, đồng USD tăng mạnh trong tháng 10 do kỳ vọng những thay đổi chính sách trong nhiệm kỳ mới của ông Trump, đều này có thể khiến lạm phát kỳ vọng cao hơn dự kiến, gây áp lực lên đồng tiền tại các thị trường mới nổi, khiến đồng VND giảm 2,9%.

Một trong những lý do khi tỷ giá tăng khiến khối ngoại có xu hướng bán ròng là sự gia tăng rủi ro, làm giảm lợi nhuận kỳ vọng, theo nhóm phân tích từ Chứng khoán Shinhan.

“Tỷ giá làm tăng phần bù rủi ro quốc gia (country risk premium) khiến cho lợi nhuận kỳ vọng sau điều chỉnh rủi ro (risk-adjusted return) của cổ phiếu ở thị trường Việt Nam giảm” - báo cáo của Chứng khoán Shinhan viết. Dưới góc nhìn phân bổ tài sản của các quỹ có quy mô toàn cầu, khi lợi nhuận kỳ vọng giảm, các quỹ có xu hướng giảm tỷ trọng nắm giữ tài sản có có lợi nhuận kỳ vọng thấp.

Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước cũng có xu hướng tìm kiếm các cơ hội đầu tư an toàn hơn, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài có thể tạm thời rút vốn để chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường.

Triển vọng trung - dài hạn ổn định

Theo Dragon Capital, số liệu kinh tế Việt Nam đang cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực sau ảnh hưởng bão Yagi. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 đạt 51,2 điểm, tăng so với 47,3 điểm của tháng 9, thể hiện các hoạt động sản xuất đã phục hồi.

Hoạt động thương mại được cải thiện, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt khoảng 35,6 tỷ USD, tăng 10,1% cùng kỳ năm trước và nhập khẩu đạt 33,6 tỷ USD, tăng 13,8%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ từ đầu năm đạt 780 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thặng dư thương mại đạt gần 25 tỷ USD.

“Triển vọng kinh tế và thương mại của Việt Nam vẫn duy trì sự tích cực, được hỗ trợ bởi định hướng tăng trưởng của Chính phủ” - ông Nguyễn Quang Hưng, Chuyên gia kinh tế cấp cao của Dragon Capital viết trong báo cáo gửi nhà đầu tư mới đây.

Cũng theo chuyên gia này, đồng USD mạnh lên có thể kéo dài việc rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi để chuyển về Mỹ. Tuy nhiên, lợi nhuận quý III của Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực. Kết quả này cho thấy khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam và củng cố kỳ vọng tăng trưởng 16 - 18% vào năm 2025.

Tương tự, nhóm phân tích từ Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cũng đặt niềm tin VN-Index có thể sớm trở lại vùng 1.300 điểm.

“Bước sang hai tháng cuối cùng của năm 2024, chúng tôi kỳ vọng những bất ổn xoay quanh chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sẽ dần được làm rõ. Điều này sẽ giúp xóa tan những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2025” - nhóm phân tích bình luận.

Cùng quan điểm, Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng diễn biến ngắn hạn thị trường có thể phản ứng tiêu cực trước một số mối lo ngại, song câu chuyện trung và dài hạn vẫn đang tích cực.

Trong ngắn hạn, các mối lo ngại về tình hình xung đột leo thang ở Trung Đông, việc ông Trump tái đắc cử, lãi suất liên ngân hàng, áp lực tỷ giá tăng trở lại và suy giảm tiêu dùng tại Trung Quốc có thể tác động đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhìn về bức tranh trung và dài hạn, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, đầu tư và tiêu dùng trong nước hồi phục.

“Kết hợp với mức P/E hiện tại đang ở vùng trung bình hai năm, chúng tôi cho rằng VN-Index sẽ vận động đi ngang trong tháng 11 cho đến khi có thêm thông tin làm thay đổi kỳ vọng của thị trường” - báo cáo triển vọng tháng cuối năm của Chứng khoán KB viết.

Lợi nhuận quý III cho thấy tín hiệu khởi sắc

Theo báo cáo chiến lược tháng 11 của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), lợi nhuận quý 3 đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc đầu tiên khi lợi nhuận tại một số ngành trọng điểm như thép và bán lẻ đã trở lại mức bình thường trước đại dịch Covid-19. Trong hai tháng còn lại của năm, Chứng khoán Mirae Asset dự báo VN-Index có thể giao dịch trong khoảng 1.250-1.300 điểm, với xu hướng tích lũy hướng tới mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cảnh giác với áp lực chốt lời tiềm ẩn trong vùng kháng cự tại 1.300-1.330 điểm.

Minh Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chung-khoan-co-the-som-tang-tro-lai-164367-164367.html