Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong các trường học
Năm học mới bắt đầu, cũng là thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, rất dễ bùng phát và lây lan dịch bệnh trong trường học như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, cúm A, đậu mùa khỉ,… và một số bệnh không lây nhiễm. Nếu không triển khai triệt để các biện pháp phòng bệnh và kiểm soát tốt tình hình sức khỏe học sinh, nhất là học sinh bậc mầm non, tiểu học và THCS... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Năm học mới bắt đầu, cũng là thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, rất dễ bùng phát và lây lan dịch bệnh trong trường học như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, cúm A, đậu mùa khỉ,… và một số bệnh không lây nhiễm. Nếu không triển khai triệt để các biện pháp phòng bệnh và kiểm soát tốt tình hình sức khỏe học sinh, nhất là học sinh bậc mầm non, tiểu học và THCS, sẽ tiềm ẩn nguy cơ dịch xâm nhiễm và lây lan hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe học sinh và việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm học.
Toàn tỉnh có 230 trường mầm non, 227 trường tiểu học, 226 trường THCS, 57 trường THPT, 11 trung tâm GDTX. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD và ĐT về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong trường học đầu năm học mới; xây dựng môi trường an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên (HSSV), ngay từ trung tuần tháng 8-2022, Sở GD và ĐT đã ban hành Công văn 1280/SGDĐT-VP về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023 chỉ đạo các phòng GD và ĐT, các trường THPT, các trung tâm GDTX phối hợp với các cơ sở y tế tại địa phương tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường. Theo đó, Sở GD và ĐT yêu cầu các đơn vị cập nhật, quán triệt đầy đủ và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tuân thủ các biện pháp vệ sinh môi trường, khử khuẩn, phòng, chống dịch bệnh; bổ sung phương tiện, thiết bị phòng chống và kiểm soát dịch tại đơn vị. Tiếp tục rà soát và tự kiểm tra đánh giá mức độ an toàn trường học trên ứng dụng “An toàn COVID-19”. Trong điều kiện dịch COVID-19 trên toàn quốc còn diễn biến khó lường, khuyến cáo học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên thực hiện các biện pháp phòng, chống, dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Tiếp tục truyền thông đến cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận đối với việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi và tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho học sinh từ 5-11 tuổi.
Tại Hướng dẫn số 1477/SGDĐT-GDCTHSSV ngày 20-9-2022 về thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, HSSV, giáo dục thể chất, y tế trường học năm học 2022-2023, Sở GD và ĐT nêu rõ: Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố; các đơn vị trực thuộc Sở chú trọng tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong trường học. Các đơn vị tiếp tục chỉ đạo thực hiện kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục về thích ứng với tình hình dịch COVID-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của cơ quan có thẩm quyền và hướng dẫn của ngành Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường công tác truyền thông, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch tiêm chủng phòng dịch COVID-19 cho trẻ em, HSSV. Xây dựng kế hoạch và phối hợp với ngành Y tế tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn trẻ em, HSSV kiến thức, kỹ năng bảo vệ sức khỏe của bản thân, phòng chống dịch COVID-19, các loại dịch bệnh khác như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, cúm A, đậu mùa khỉ,… và các bệnh không lây nhiễm trong trường học. Tăng cường trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong việc chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, theo dõi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh và có nguy cơ về sức khỏe trong trường học. Kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên y tế trường học. Hoàn thành việc rà soát, sắp xếp đội ngũ nhân viên y tế trường học chuyên trách đối với các cơ sở giáo dục thuộc nhóm ưu tiên theo quy định. Xây dựng kế hoạch, triển khai kiện toàn và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế trường học (chuyên trách và kiêm nhiệm) theo Chương trình bồi dưỡng do Bộ GD và ĐT phối hợp với Bộ Y tế ban hành. Tiếp tục tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về công tác y tế trường học, phòng chống dịch bệnh, các bệnh không lây nhiễm cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học. Phối hợp với ngành Y tế và các ngành liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá kết quả công tác y tế trường học trong năm học 2022-2023; phấn đấu đạt tỷ lệ 100% học sinh tham gia BHYT...
Thực hiện chỉ đạo của ngành, các nhà trường chú trọng việc theo dõi, giám sát sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh hàng ngày tại trường học. Khi phát hiện có trường hợp biểu hiện bất thường về sức khỏe, cách ly ngay để theo dõi, thông tin thường xuyên về sức khỏe với gia đình học sinh. Các Phòng GD và ĐT huyện, thành phố, hiệu trưởng các trường tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, cúm A, đậu mùa khỉ..., và một số bệnh không lây nhiễm. Ở khối mầm non, tiến hành khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt và sàn nhà nơi trẻ sinh hoạt tại tất cả nhà trẻ, mẫu giáo vào ngày cuối tuần để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua tiếp xúc. Ngoài ra, các trường tổ chức thực hiện các quy định về vệ sinh trường học, nước sạch và vệ sinh môi trường, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm (ATTP); phòng tránh tai nạn thương tích, đặc biệt đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể trường học, kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu và phụ gia thực phẩm theo đúng quy định, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Tại Trường Mầm non Nam Hồng (Nam Trực), cùng với việc tổ chức quán triệt cho giáo viên về chăm sóc sức khỏe, vệ sinh tốt đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ, việc chăm sóc, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ được nhà trường luôn quan tâm để trẻ nâng cao sức đề kháng, tránh được các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm. Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các tài liệu tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh tại bảng tin của trường và tại các lớp về các dấu hiệu bệnh và cách xử lý khi trẻ có các triệu chứng mắc bệnh. Trong quá trình nuôi dạy trẻ ở trường, phụ huynh và giáo viên thường xuyên phối hợp theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho trẻ, đảm bảo các yếu tố vệ sinh, dinh dưỡng để tạo sức đề kháng, hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh. Tại Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định), nhà trường đã tích cực tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như giữ gìn vệ sinh trường lớp, chú trọng việc theo dõi, giám sát sĩ số và tình hình sức khỏe học sinh hàng ngày tại trường học; khi có các trường hợp học sinh các lớp có biểu hiện bất thường về sức khỏe thì theo dõi, thông tin thường xuyên về sức khỏe với gia đình học sinh; nhà trường dán, phát các tài liệu về phòng ngừa dịch bệnh tại các bảng tuyên truyền ở trường và tuyên truyền rộng rãi đến phụ huynh học sinh về các biện pháp ngăn ngừa, phòng, chống dịch bệnh...
Trong bối cảnh các loại dịch bệnh nói chung, dịch COVID-19 nói riêng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, toàn ngành GD và ĐT đang quyết tâm kiểm soát tốt môi trường học đường, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra các tình huống về dịch ngay khi học sinh vừa bước vào năm học mới./.
Bài và ảnh: Minh Thuận