Chiêm ngưỡng cây trôi cổ thụ gần nghìn năm tuổi tại Hà Nội

Trải qua gần nghìn năm lịch sử, cây trôi cổ thụ tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai vẫn xanh tươi. Cây cổ thụ mang nhiều ý nghĩa về lịch sử, văn hóa và đời sống.

Cây trôi cổ thụ ở thôn Thụy Khuê nằm trong quần thể Khu Di tích lịch sử Chùa Thầy thuộc (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được các nhà nghiên cứu xác định có tuổi đời lên tới gần 800 năm.

Cây trôi cổ thụ có tán rộng gần 1.000 m2, chiều cao 20m, nhìn từ xa như một chiếc ô khổng lồ.

Cây có đường kính 1,44m, chu vi thân 4,46m.

Từ xa xưa, người dân thôn Thụy Khuê đã coi những cây cổ thụ này là một thần nông chiếu lộc, che chở cho cuộc sống của dân làng. Cây còn là minh chứng lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, dưới bóng cây trôi là nơi tập kết lương thực, thực phẩm để cho dân công hỏa tuyến chuyển đến các vùng chiến khu kháng chiến.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), cây trôi gần 800 tuổi mang nhiều ý nghĩa trong văn hóa, đời sống, là những nhân chứng lịch sử của đất nước, của dân tộc.

“Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, cây trôi cổ thụ còn góp phần lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết.

Theo ông Đặng Huy Huỳnh, bảo tồn được cây cổ thụ có tuổi đời lên tới gần nghìn năm là vô cùng quý giá. Việc bảo vệ, chăm sóc tốt cho những cây cổ thụ còn là để tri ân những bậc tiền nhân từ ngàn năm trước.

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây trôi cổ thụ tại thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn năm 2016.

Mời độc giả xem thêm video Bí ẩn loại cây trổ ra “vàng”, trồng đầy ở Việt Nam.

Nguyễn Hải

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/chiem-nguong-cay-troi-co-thu-gan-nghin-nam-tuoi-tai-ha-noi-1851010.html