'Chìa khóa' mở đường cho kinh tế mới
Chuyên gia nhận định, tư duy phát triển các mô hình kinh tế mới đã trở thành một trụ cột quan trọng trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2023', ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định phát triển bền vững vừa là quan điểm, vừa là mục tiêu xuyên suốt, được thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua các thời kỳ.
Tiềm năng to lớn
Phác họa lại bức tranh đầy "màu xám" của kinh tế thế giới hiện nay, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nêu rõ thế giới đang đối diện với những khó khăn, thách thức đa tầng, từ vấn đề lạm phát, gia tăng nợ công, xung đột vũ trang Nga - Ukraine đến cạnh tranh địa chính trị và những bất ổn từ thiên tai, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu... Tất cả đưa đến nguy cơ suy thoái kinh tế, thậm chí khủng hoảng.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo về những thách thức làm suy giảm tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dẫn đến một "thập kỷ mất mát" khiến nghèo đói nhiều hơn.
"Những vấn đề này càng chồng chất thêm các khó khăn, thách thức cho các quốc gia trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững", ông Trung bày tỏ.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy, mặc dù thế giới đã đi được nửa chặng đường, song kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs hiện rất đáng quan ngại với chỉ 12% mục tiêu cụ thể đang đi đúng tiến độ.
Lấy dẫn chứng về những tiềm năng to lớn từ các mô hình kinh tế mới đem lại cho các quốc gia, khu vực trên thế giới, ông Trung cho biết, tại Mỹ, kinh tế xanh đã tạo việc làm cho 9,5 triệu lao động, đóng góp trên 7% GDP, tương đương 1,3 nghìn tỷ USD/năm.
Trong khi đó, tại các nước OECD, con số tương ứng là 17,5 triệu lao động và 12% GDP, tương đương 2,9 nghìn tỷ USD/năm.
Còn đối với Việt Nam, theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á” năm 2021, nền kinh tế số Việt Nam có trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia.
Theo ông Trung, với lợi ích và tiềm năng rất lớn từ các mô hình kinh tế mới và nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo quan điểm phát triển bền vững, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững SDGs đến năm 2030 phù hợp với bối cảnh mới và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều chiến lược nhằm thúc đẩy các mô hình kinh tế mới đã được ban hành trong thời gian gần đây.
"Những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, vừa tạo hành lang pháp lý để triển khai các mô hình kinh tế mới, vừa tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh và tình hình mới", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, sau gần 40 năm đổi mới của kinh tế đất nước, với vai trò là cơ quan nghiên cứu và tham mưu hàng đầu cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM luôn giữ vững quan điểm và truyền tải thông điệp phải không ngừng đổi mới nhằm cải cách thể chế kinh tế một cách toàn diện, nâng cao năng lực nội tại và chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động cũng như mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể từ năm 2020, CIEM đã luôn tham mưu các đề xuất chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế mới.
"Không gian kinh tế ấy có thể gắn với những nguồn lực “phi truyền thống” như thời gian, dữ liệu, hay dựa trên những tư duy tổ chức sản xuất mới trên nền tảng công nghệ số, thiết kế các hoạt động theo hướng tuần hoàn, liên kết vùng…", Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh chia sẻ.
Những nghiên cứu, thảo luận chính sách đầu tiên ở Việt Nam về các mô hình như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn,… đều bắt đầu từ chính Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
“Chìa khóa mở đường”
Không dừng ở đó, Viện đã cụ thể hóa các khái niệm, các giải pháp chính sách để hiện thực hóa tư duy “đột phá” và lợi ích từ các mô hình này, ngay trong tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
"Chúng tôi không nhìn nhận các mô hình kinh tế mới một cách riêng rẽ, mà có sự tương tác với nhau, chẳng hạn như kinh tế ban đêm có tương tác với kinh tế chia sẻ, hay việc tận dụng công nghệ số để thúc đẩy các liên kết trong mô hình kinh tế tuần hoàn…", bà Minh nhấn mạnh.
Theo đó, CIEM đang chủ động dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm để phát triển kinh tế tuần hoàn, nhằm sớm hiện thực hóa lợi ích từ mô hình này. Đồng thời, tổng kết việc thực hiện phát triển kinh tế ban đêm kể từ sau Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, từ đó kiến nghị những hướng đi mới nhằm phát triển kinh tế ban đêm.
"Chúng tôi tâm niệm phát huy đồng bộ, tổng lực các mô hình này sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, để tạo thêm từng “điểm phần trăm” quý giá cho tăng trưởng kinh tế, và tạo được văn hóa để cả các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp đều “không ngừng đổi mới, khẩn trương đổi mới, chung tay đổi mới”, Viện trưởng CIEM Bà Trần Thị Hồng Minh nói.
Nhấn mạnh thêm rằng, tư duy phát triển các mô hình kinh tế mới đã trở thành một trụ cột quan trọng trong chính quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, Viện trưởng CIEM khẳng định, nếu tiếp tục làm sâu sắc nội dung này trong thời gian tới, chúng ta sẽ chung tay đưa thể chế trở thành một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa mở đường” cho tăng trưởng kinh tế có tính sáng tạo, bền vững và chất lượng hơn.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202310/chia-khoa-mo-duong-cho-kinh-te-moi-992313/