Chỉ số giá tiêu dùng chín tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016

Giá thuê nhà, giá thực phẩm, học phí giảm do thực hiện giãn cách xã hội khiến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Chín có mức giảm so với tháng trước đó, song vẫn tăng trên 2% so với cùng kỳ năm trước.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Chín tăng 2,06% và CPI bình quân quý 3 tăng 2,51%. (Ảnh minh họa/Vietnam+)

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Chín tăng 2,06% và CPI bình quân quý 3 tăng 2,51%. (Ảnh minh họa/Vietnam+)

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Chín giảm 0,62% so với tháng Tám và tăng 1,88% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Chín tăng 2,06% và CPI bình quân quý 3 tăng 2,51%.

Tính chung chín tháng, CPI chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

5/11 nhóm ngành giảm giá

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng Chín có 5/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính giảm giá và 6 nhóm còn lại tăng giá.

Cụ thể, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,99% (làm CPI chung giảm 0,37 điểm phần trăm). Nguyên nhân là do giá tiền thuê nhà giảm để hỗ trợ người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Thêm vào đó, giá điện cũng được hỗ trợ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và thời tiết sang Thu cũng khiến nhu cầu tiêu dùng điện, nước sinh hoạt giảm so với tháng trước.

Bên cạnh đó, nhóm giáo dục cũng giảm 2,89% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,18 điểm phần trăm) do một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022 và nhóm giao thông giảm 0,16% so với tháng trước do nhóm nhiên liệu giảm.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Ngoài ra, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,16% do nguồn cung dồi dào khiến giá gạo và thịt lợn lần lượt giảm 0,17% và 2,52%. Cùng với đó, nhóm bưu chính viễn thông cũng giảm 0,06%, chủ yếu tập trung tại nhóm hàng giá điện thoại di động và máy tính bảng.

Trong bối cảnh nhiều địa phương giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chỉ số giá nhóm lương thực trong tháng Chín đã nhích lên 0,12% so với tháng trước; trong đó chỉ số giá nhóm bột mỳ và ngũ cốc khác tăng 2,39%, do trong tháng có Tết Trung thu, nhu cầu về bột mỳ, ngô, khoai, sắn tăng cao. Bên cạnh đó, chỉ số giá lương thực chế biến như bún, phở, bánh đa, mỳ ăn liền, bánh mỳ cũng tăng 0,52% so với tháng trước.

Ngược lại, chỉ số giá gạo trong tháng Chín đã giảm 0,17% so với tháng trước, do nguồn cung dồi dào khi các địa phương đang tập trung thu hoạch vụ Hè Thu.

Tuy nhiên, bà Oanh cho hay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang giảm do nhu cầu nhập khẩu của các nước giảm, chi phí vận chuyển cao, dịch COVID-19 bùng phát làm hạn chế khả năng giao hàng của doanh nghiệp.

Trên thị trường, giá gạo tẻ thường dao động từ 11.500-12.000 đồng/kg, giá gạo Bắc Hương từ 17.500-19.000 đồng/kg và giá gạo nếp từ 24.700-34.500 đồng/kg.

Ngoài ra, sau 2 tháng liên tiếp giá thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội, sang tháng Chín bình quân giá thực phẩm giảm 0,3% so với tháng Tám. Theo bà Oanh, nguồn cung thực phẩm được bảo đảm nên người dân không còn tâm lý mua gom tích trữ. Cụ thể, giá thịt lợn giảm 2,52% so với tháng trước, giá thịt gia cầm tươi sống giảm 0,28%, giá trứng các loại giảm 1,13%.

CPI bình quân 9 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016

Như vậy, tính chung chỉ số giá tiêu dùng bình quân chín tháng chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm và là mức tăng bình quân chín tháng thấp nhất kể từ năm 2016.

Nguyên nhân là do giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 16 đợt (trong chín tháng), theo đó giá xăng dầu trong nước bình quân đã tăng 24,8% và làm CPI chung tăng 0,89 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, giá gas tăng 21,7%, góp phần làm CPI chung tăng 0,32 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giáo dục tăng 3,76%, làm CPI chung tăng 0,2 điểm phần trăm…

Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số nguyên nhân làm giảm CPI chín tháng so với cùng kỳ. Cụ thể, giá các mặt hàng thực phẩm đã giảm 0,29% và làm CPI giảm 0,06 điểm phần trăm (trong đó giá thịt lợn giảm 7,22%, giá thịt gà giảm 0,98%). Ngoài ra, việc Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19; trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý 2 và quý 4…, khiến giá điện sinh hoạt bình quân 9 giảm 0,99% và tác động làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm.

Như vậy, lạm phát cơ bản tháng 9/2021 đã giảm 0,26% so với tháng Tám, tuy nhiên vẫn tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước.

“Bình quân lạm phát cơ bản chín tháng tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,82%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 9/2021 và chín tháng so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011,” bà Oanh nhấn mạnh./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chi-so-gia-tieu-dung-chin-thang-tang-thap-nhat-ke-tu-nam-2016/743690.vnp