Chăm sóc lúa làm đòng
Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy gần 24.700 ha lúa. Thời điểm này, lúa đang ở giai đoạn đứng cái làm đòng, chuẩn bị trổ bông. Tuy nhiên thời tiết những ngày qua mưa nhiều, trên đồng ruộng một số nơi xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại như bệnh đạo ôn, khô vằn, sâu cuốn lá, nấm... có khả năng làm giảm năng suất nếu không được phòng trừ kịp thời.
Sơn Dương là huyện có diện tích lúa mùa lớn của tỉnh. Vụ này toàn huyện gieo cấy 6.274,8/6.267,2 ha, vượt 7,6 ha so với kế hoạch. Hiện nay, lúa trà sớm đang giai đoạn đòng già-trỗ bông phơi màu, trà chính vụ đang giai đoạn làm đòng-ôm đòng.
Chị Tạ Thanh Tâm, Dự báo viên, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Dương cho biết, thời tiết nắng mưa thất thường những ngày qua đã tạo điều kiện cho một số loại sâu bệnh hại xuất hiện trên đồng ruộng. Cụ thể, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn hại trung bình 3-5% số lá, nơi cao 10-15% số lá, cục bộ 25-30% số lá; bệnh khô vằn hại nơi cao 20-25% dảnh; rầy nâu - rầy lưng trắng lứa 6 đang bắt đầu nở mật độ, nơi cao 600-700 con/m2; sâu cuốn lá, sâu đục thân đang gây hại mức độ nhẹ đến trung bình. Trong đó, diện tích nhiễm bệnh bạc lá 17 ha gồm các xã Thiện Kế 7ha, Quyết Thắng 3 ha, Vân Sơn 2 ha, Cấp Tiến 3 ha, Tú Thịnh 1 ha, thị trấn Sơn Dương 1 ha. Bệnh khô vằn 120 ha rải rác các xã, thị trấn; chuột: 35 ha; sâu cuốn lá 2 ha; rầy nâu - rầy lưng trắng 3 ha.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Dương đã ra 2 thông báo để hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh và cử cán bộ chuyên môn thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại vụ mùa kịp thời đạt hiệu quả. Thời điểm cuối tháng 8 đến cuối tháng 9 là thời kỳ cao điểm của sâu bệnh hại. Theo dự báo của Trung Tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, thời gian tới cần phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại chính sau: Bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân trên cả trà sớm và trà chính vụ. Phòng trừ sâu cuốn lá trên trà chính vụ trên lúa giai đoạn ôm đòng - đòng già từ ngày 2-9 đến 10-9. Đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ địch hại tổng hợp. Đối với biện pháp hóa học, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc trừ sâu, bệnh có hiệu quả cao, ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc ít độc với người và vật nuôi, đảm bảo thời gian cách ly theo nguyên tắc 4 đúng.
Ông Nguyễn Văn Tâm, thôn Quyết Thắng, xã Sơn Nam cho biết, 1,5 mẫu ruộng giống lúa BC 15 và KM 18 của gia đình đang trong thời kỳ đứng cái, đã bật đòng vào cuối tháng 8. Để cung cấp dưỡng chất cho cây lúa trong quá trình làm, nuôi đòng, ông đã bón kết hợp vừa đủ 3 loại phân gồm đạm, lân và kali. Theo ông Tâm, bón phân kết hợp lúa sẽ chắc bông, cây khỏe, ít đổ rạp khi gặp phải những trận mưa kèm theo gió lớn, nhất là đang trong mùa mưa bão như hiện nay.
Tranh thủ thời tiết hửng nắng sau nhiều ngày mưa, ông Trần Cảnh, thôn 2, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) phun thuốc phòng sâu bệnh cho diện tích lúa. Ông Cảnh chia sẻ: “Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy 9 sào giống lúa Bắc Thơm và BC 15. Hiện nay, diện tích lúa của gia đình trong giai đoạn đứng cái làm đòng. Tuy nhiên, trên cây lúa xuất hiện bọ rầy và sâu cuốn lá với mức độ gây hại nhẹ”. Theo khuyến cáo của xã, tôi mua thuốc về phun trừ, sau đó sẽ bón đón đòng theo liều lượng được hướng dẫn.
Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, qua kiểm tra thực tế tại các địa phương, diện tích lúa mùa trà chính vụ đang bước vào thời kỳ đứng cái, phân hóa đòng. Đây là thời điểm quan trọng và cần thiết cho việc chăm sóc, bón phân đón đòng trên cây lúa bởi bón vào thời điểm này sẽ đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng ngay từ ban đầu cho cả dảnh cái và dảnh con trong quá trình phân hóa đòng và nuôi đòng. Hơn nữa, bón thúc đón đòng quyết định phần lớn năng suất của lúa, vì đây là thời kỳ quyết định số hạt lúa. Để bảo đảm cho vụ mùa bội thu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn nông dân tập trung làm cỏ cho lúa, giữ mực nước vừa đủ, ổn định trên chân ruộng; thực hiện bón phân để đón đòng với lượng 2 - 3 kg kali và khoảng 0,5 - 1 kg urê/sào, nếu lúa sinh trưởng và phát triển kém bà con cần bón thêm khoảng 0,5 - 1 kg đạm. Ngoài bón phân, bà con chú ý làm sạch cỏ bờ để hạn chế sâu hại trú ngụ và gây hại khi lúa trỗ đòng. Chú ý bón phân giai đoạn này cần bón phân cân đối và đủ lượng, tuyệt đối không bón thừa đạm, tạo điều kiện cho sâu bệnh hại phát sinh gây hại. Giai đoạn này cây lúa đạt tối đa kích thước về thân, lá, rễ khả năng phát triển kém. Vì vậy, nếu bị sâu bệnh hại tấn công thì cây lúa sẽ không phục hồi bù đắp những thân lá do sâu bệnh gây ra như các giai đoạn trước đó, trong khi giai đoạn này cây lúa rất dễ mẫn cảm với sâu bệnh hại nên bà con phải hết sức đề phòng, đặc biệt là phải bảo vệ tốt lá đòng.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới diễn biến thời tiết sẽ phức tạp khi bão số 3 đã xuất hiện và tình hình dịch bệnh trên cây trồng có nguy cơ phát triển mạnh, trong đó đáng chú ý là sâu đục thân, bọ rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn và chuột gây hại trên 2 trà lúa. Để bảo đảm cho vụ mùa thắng lợi, công tác phòng, trừ sâu bệnh cần được các cấp, ngành chức năng và người dân tiếp tục quan tâm hơn nữa.