Câu hỏi về sự an toàn ở Biển Đông sau vụ va chạm của tàu ngầm Mỹ

Sự phức tạp về địa hình đáy biển và mật độ giao thông hàng hải đông đúc ở Biển Đông đặt ra thách thức với các tàu ngầm hoạt động tại khu vực.

Vụ va chạm của tàu ngầm hạt nhân Mỹ với một vật thể chưa xác định ở Biển Đông mới đây làm dấy lên những lo ngại về mức độ an toàn trong hoạt động của loại vũ khí này, cũng như về số phận của những lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm bị hư hỏng và loại biên, theo South China Morning Post.

Thấy gì từ vụ va chạm của tàu ngầm Mỹ?

Tàu ngầm hạt nhân là một trong những vũ khí mạnh mẽ nhất thế giới. Tuy nhiên, dù là tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSN) hay tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo (SSBN), chúng rất dễ bị tổn thương khi gặp sự cố trên biển dẫn tới rò rỉ hạt nhân, các chuyên gia cảnh báo.

"Sở hữu tàu ngầm hạt nhân thể hiện năng lực tấn công cũng như phòng thủ vượt trội của một quốc gia. Nhưng việc thiếu đi những quy định chung bắt buộc các quốc gia tuân thủ đang là một vấn đề lớn", chuyên gia về hải quân Li Jie bình luận.

Ông Li Jie cho biết hiện chưa quốc gia nào, kể cả các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Nga, Trung Quốc ban hành hướng dẫn để thủy thủ đoàn thực hiện trong trường hợp xảy ra tai nạn liên quan tới tàu tàu ngầm hạt nhân.

Tàu ngầm USS Connecticut của Mỹ. Ảnh: AP.

Theo báo cáo được Hải quân Mỹ công bố hôm 10/10, tàu ngầm tấn công USS Connecticut va chạm với một vật thể không xác định ở Biển Đông, khiến 11 thành viên thủy thủ đoàn bị thương.

Báo cáo cho biết hệ thống đẩy của tàu ngầm không bị ảnh hưởng, do đó con tàu có thể quay trở lại căn cứ hải quân trên đảo Guam để kiểm tra.

Vụ va chạm được giữ kín và chỉ được công bố sau đó 6 ngày. Hải quân Mỹ không công bố thêm các chi tiết liên quan như mức độ nghiêm trọng của vụ va chạm, vật thể va chạm với tàu ngầm là gì, hay địa điểm cụ thể nơi vụ việc xảy ra.

Hải quân Mỹ chỉ nói đang tiến hành đánh giá và sửa chữa sơ bộ những hư hại mà tàu ngầm gặp phải, đồng thời hai cuộc điều tra nguyên nhân vụ việc đã được khởi động.

Các tàu ngầm có hệ thống cảm biến để phát hiện di chuyển dưới mặt nước tối tân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết địa hình phức tạp và biến đổi nhanh chóng tại Biển Đông là môi trường hoạt động tiềm ẩn nhiều thách thức cho các tàu ngầm cỡ lớn với chiều dài trên 107m và lượng giãn nước hơn 9.000 tấn.

"Tàu ngầm hạt nhân thường lớn hơn tàu ngầm quy ước, bởi vậy việc hoạt động ở các vùng biển hẹp gần bờ sẽ khó khăn hơn", ông Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Đại học S. Rajaratnam, Singapore, đánh giá.

Ngoài các rủi ro thông thường mà mọi tàu ngầm gặp phải, các tàu ngầm hạt nhân còn đối mặt với các rủi ro về an toàn hạt nhân.

Rủi ro hoạt động trên Biển Đông

Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới, chứng kiến sự qua lại của lưu lượng khổng lồ tàu thương mại, tàu cá, và cả tàu quân sự. Bởi vậy, khu vực này đã chứng kiến nhiều vụ chìm tàu.

"Có nhiều rủi ro va chạm ở khu vực này, từ địa hình đáy biển phức tạp, cho tới những vật thể trôi nổi như xác tàu đắm, container chìm hay những vật dụng khác bị vứt bỏ trên biển", ông Koh nói.

Zhou Chenming, chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự Bắc Kinh, cho biết lo ngại lớn nhất với các quốc gia trong khu vực là nguy cơ rò rỉ chất thải phóng xạ.

"Vẫn có khả năng chất thải phóng xạ rò rỉ từ các đường ống của tàu ngầm hạt nhân sau vụ va chạm dường như khá nghiêm trọng, bởi vụ việc khiến nhiều thủy thủ bị thương. Việc Mỹ không sẵn sàng chia sẻ thông tin chi tiết chỉ càng làm dấy lên những nghi ngờ", ông Zhou nói.

Hai chuyên gia Zhou và Li có chung nhận định vụ va chạm đã nhắc nhở các quốc gia trong khu vực về những rủi ro và cái giá của việc sở hữu tàu ngầm hạt nhân.

Vụ va chạm hôm 2/10 cũng hướng sự chú ý tới chi phí tháo dỡ tàu ngầm hạt nhân. Một quan chức quân sự Trung Quốc giấu tên cho biết số tiền tháo dỡ tàu ngầm hạt nhân không rẻ hơn việc đóng mới.

Tàu ngầm Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông. Ảnh: AsiaNews.

"Ở Trung Quốc, khi chính phủ chi 1,5 tỷ USD để đóng một tàu ngầm hạt nhân tấn công, 1,5 tỷ USD khác được dự trù để chuẩn bị cho việc loại biên", quan chức này nói.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân khỏi thân tàu, dùng hóa chất và xi măng bịt kín các cấu phần bức xạ, sau đó đưa chúng tới những địa điểm an toàn. Việc xử lý lò phản ứng hạt nhân rất tốn kém và đòi hỏi công nghệ cao.

Mỹ đưa lò phản ứng hạt nhân từ các tàu ngầm hạt nhân loại biên xuống đáy biển ngoài khơi Hawaii.

Nga không tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân. Nước này chỉ đơn giản là đưa các tàu ngầm loại biên tới một cảng gần bán đảo Novaya Zemlya ở Bắc Băng Dương.

"Ngoài Nga, nhiều quốc gia khác cũng không xử lý thỏa đáng những tàu ngầm hạt nhân loại biên, họ chỉ để chúng mục ruỗng ở các bến cảng. Khi ngày càng nhiều tàu ngầm hạt nhân đến tuổi loại biên và được thay thế, sẽ có thêm nhiều lò phản ứng hạt nhân bị bỏ đi", ông Li nói.

Việc số lượng tàu ngầm hạt nhân hoạt động tại khu vực Thái Bình Dương ngày một đông đúc, cũng như những thay đổi đang diễn ra với địa hình đáy biển, đồng nghĩa chi phí vận hành tàu ngầm cũng tăng lên.

"Các nhà khoa học phát hiện thêm các núi lửa dưới đáy Biển Đông thức giấc những năm qua, điều này làm thay đổi địa hình đáy biển, đòi hỏi các nước phải liên tục thăm dò", ông Li cho biết.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-hoi-ve-su-an-toan-o-bien-dong-sau-vu-va-cham-cua-tau-ngam-my-post1271300.html