Cao tốc Cam Lộ - La Sơn chính thức đi vào hoạt động

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có ý nghĩa quan trọng, khởi đầu cho việc hình thành một tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Sáng ngày 31/12, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị long trọng tổ chức lễ khánh thành dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn thuộc “Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2022”.

 Lễ khánh thành dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn thuộc “Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2022”.

Lễ khánh thành dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn thuộc “Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2022”.

Tham dự buổi lễ có: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương. Về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Trị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có ý nghĩa quan trọng, khởi đầu cho việc hình thành một tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

 Lễ cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Lễ cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Dự án đi qua hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của hai tỉnh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh nói riêng và khu vực Trung Bộ, đặc biệt đã đánh dấu mốc quan trọng, là một trong các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đầu tiên hoàn thành, góp phần tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh đáp ứng chiến lược phát triển Giao thông vận tải và kinh tế - xã hội của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đánh giá cao hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng và phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện dự án; biểu dương các cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động trên công trường đã luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục rất nhiều khó khăn, làm việc ngày đêm để triển khai Dự án, đưa vào sử dụng gần 100 km tuyến chính đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong suốt quá trình thi công dự án.

 Dự án đi qua hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của hai tỉnh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh nói riêng và khu vực Trung Bộ.

Dự án đi qua hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của hai tỉnh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh nói riêng và khu vực Trung Bộ.

Trong thời gian tới, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được triển khai, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị các đơn vị thuộc ngành Bộ GTVT phối hợp với chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, phấn đấu hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo Nghị quyết 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị, trong thời gian tới, các Bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ địa phương nhiều hơn nữa; hoàn thành nhiều dự án trọng điểm quốc gia, như Đường ven biển, các Quốc lộ kết nối Cảng biển đến Cửa khẩu Quốc tế với nước bạn Lào; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ chính trị và quyết tâm của Tỉnh Thừa Thiên Huế: đến năm 2025, đưa toàn tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Tin, ảnh: Hoàng Oanh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/cao-toc-cam-lo-la-son-chinh-thuc-di-vao-hoat-dong-629049.html