Căng thẳng leo thang

Nhật báo Ekathimerini mới đây dẫn lời Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết, Athen đang xem xét dự luật tăng gấp đôi chiều rộng lãnh hải ở vùng biển Ionian đối diện với Italia, từ 6 lên 12 hải lý. Ngoài ra, Hy Lạp cũng dự định mở rộng lãnh hải ở những vùng biển khác trong tương lai.

Tàu khoan thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trên vùng biển Địa Trung Hải vào ngày 11-7-2019

Phát biểu hôm 29-8-2020, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo: “Hy Lạp không thể mở rộng lãnh hải lên 12 hải lý. Hành động mở rộng lãnh hải có thể gây ra chiến tranh”.

Trước khi có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, chiều rộng lãnh hải được tính là 3 hải lý, theo tập quán. Điều 3 của UNCLOS quy định quốc gia ven biển có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở.

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ thuộc số ít quốc gia chưa tuyên bố lãnh hải 12 hải lý. Hy Lạp ấn định lãnh hải 6 hải lý, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố lãnh hải 6 hải lý ở vùng biển Aegean.

Căng thẳng giữa hai bên xung quanh vấn đề mở rộng lãnh hải nhen nhóm từ khi các mỏ khí đốt ở thềm Địa Trung Hải được tìm thấy ở nhiều nơi và ngày càng dâng cao khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hoạt động thăm dò ở khu vực.

Hy Lạp chỉ trích các cuộc thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ là bất hợp pháp, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại khẳng định đang tiến hành các hoạt động thăm dò ở thềm lục địa của mình. Hai bên gần đây liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận ở Địa Trung Hải. Hy Lạp và đồng minh thuộc EU hôm 27-8 thông báo tổ chức tập trận ở Địa Trung Hải. Trong khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố tập trận với một tàu khu trục hải quân Mỹ ở khu vực này.

Giới phân tích quan ngại việc Ankara nối lại hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp, cùng các cuộc tập trận, không chỉ làm mất đi cơ hội đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp mà còn đẩy căng thẳng song phương leo thang.

Tại cuộc gặp không chính thức của các Bộ trưởng Ngoại giao EU diễn ra tại Berlin trong hai ngày 27 và 28-8, các bên đã nhất trí đẩy nhanh áp đặt trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu hết giới chức châu Âu tỏ ý sẵn sàng đứng về phía Hy Lạp.

Bất chấp phản ứng của các thành viên EU, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 27-8 thông báo kế hoạch kéo dài thời gian thăm dò khí đốt ở Đông Địa Trung Hải thêm 5 ngày. Ankara kỳ vọng hoạt động có thể vực dậy nền kinh tế vốn đối mặt với các lệnh trừng phạt, giờ lại hứng thêm đòn giáng từ đại dịch Covid-19.

Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra cuối tháng 9-2020 sẽ tập trung vào vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ và dự định áp trừng phạt với Ankara nếu không có động thái nhằm giảm leo thang căng thẳng.

Bình An (nguồn: Anadolu Agency)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cang-thang-leo-thang-577839.html