Nga tập trận hạt nhân phi chiến lược giữa căng thẳng với phương Tây

Cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật của Nga nhằm đáp trả những tuyên bố khiêu khích của các quan chức phương Tây, đồng thời thể hiện khả năng của Moscow trong việc ứng phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài.

Nga khởi động tập trận hạt nhân chiến thuật vào ngày 21/5. Ảnh: Tass

Nga khởi động tập trận hạt nhân chiến thuật vào ngày 21/5. Ảnh: Tass

Theo đài RT, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận hôm 21/5, lực lượng thuộc Quân khu miền Nam của Nga đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật được công bố gần đây.

Trong thông báo đưa ra một tuần trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc tập trận hạt nhân phi chiến lược được Moscow tiến hành nhằm mục đích răn đe trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên tục leo thang, đồng thời thể hiện khả năng của Moscow trong việc ứng phó với bất kỳ mối đe dọa từ bên ngoài nào.

Cuộc tập trận hạt nhân lần này sẽ bao gồm các nội dung cung cấp vũ khí hạt nhân cho quân đội từ các địa điểm lưu trữ, trang bị tên lửa hạt nhân chiến thuật và chuẩn bị phóng tên lửa, Moscow tuyên bố trên Telegram.

Quân đội Nga sẽ sử dụng hệ thống tên lửa Iskander-M, có thể bắn tên lửa đạn đạo 9M723-1 hoặc tên lửa hành trình 9M728, cả hai đều có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật có sức công phá từ 5 đến 50 kiloton.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, các lực lượng của Quân khu miền Nam cũng sẽ thực hành các hoạt động triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật bí mật bằng cách sử dụng các hệ thống này như một phần của cuộc tập trận chuẩn bị phóng tên lửa.

Cuộc tập trận cũng sẽ bao gồm việc trang bị vũ khí hạt nhân cho các tên lửa phóng từ trên không, bao gồm cả tên lửa siêu thanh Kinzhal hiện đại. Tên lửa Kh-47M2 Kinzhal và tên lửa hành trình Kh-32 do máy bay ném bom Nga cung cấp có khả năng mang đầu đạn tương tự như đầu đạn gắn trên tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander. Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong cuộc tập trận, máy bay Nga sẽ thực hiện nhiệm vụ tuần tra được trang bị những tên lửa này.

Một đoạn video do quân đội Nga công bố cho thấy phi hành đoàn của một số hệ thống Iskander-M trang bị tên lửa cho chúng và chuẩn bị phóng.

Bộ Quốc phòng Nga nói rằng cuộc tập trận "nhằm duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của nhân sự và thiết bị từ các đơn vị vũ khí hạt nhân phi chiến lược".

Quân khu miền Nam nơi diễn ra cuộc tập trận bao gồm phần phía Nam của nước Nga thuộc châu Âu, chủ yếu nằm giữa Biển Đen và Biển Caspi, tổng cộng 19 khu vực - bao gồm bán đảo Crimea và 4 vùng lãnh thổ cũ của Ukraine đã được sáp nhập vào Nga hồi tháng 11/2022.

Trước đó, hồi đầu tháng này, Nga đã công bố thông tin về cuộc tập trận tập trận hạt nhân phi chiến lược nhằm đáp trả sự leo thang “mới và chưa từng có" với phương Tây liên quan đến chiến sự tại Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nga nói rằng cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật nên được coi là một nỗ lực nhằm "làm nguội những cái đầu nóng" ở phương Tây trong bối cảnh "những tuyên bố hiếu chiến" và "những hành động gây bất ổn" của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo Điện Kremlin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần đề cập đến khả năng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai quân ở Ukraine.

Những ý tưởng tương tự cũng được lãnh đạo phe thiểu số trong Hạ viện Mỹ, ông Hakeem Jeffries - đưa ra.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh David Cameron mới đây tuyên bố Kiev có quyền sử dụng vũ khí do London cung cấp để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Về phần mình, Nga nhiều lần nêu rõ học thuyết về hạt nhân của nước này.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Nga hồi tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, Moscow sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu xuất hiện bất cứ mối đe dọa nào đối với sự tồn tại, độc lập, chủ quyền của đất nước. Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin cũng khẳng định Nga hiện tại chưa có nhu cầu sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật hay vũ khí hạt nhân phi chiến lược là loại vũ khí được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, có thiết kế nhỏ hơn và được sử dụng ở khoảng cách ngắn, khác với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược ở khoảng cách xa.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nga-tap-tran-hat-nhan-phi-chien-luoc-giua-cang-thang-voi-phuong-tay.html