Cần khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực y tế, giáo dục

Chiều 29-5, thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đến những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn.

Quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, sau một thời gian triển khai chương trình, giáo viên và học sinh đánh giá đây là một chương trình có nhiều tính ưu việt so với chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Đại biểu cho biết, hầu hết giáo viên cho rằng, chương trình giáo dục lần này đã thể hiện được tính toàn diện, cơ bản, thiết thực, hiện đại, bảo đảm giáo dục đức, thể, mỹ, chú trọng thực hành và vận dụng kiến thức vào cuộc sống, phát huy vai trò chủ động và tiềm năng của học sinh.

“Tuy nhiên, chương trình vẫn còn một số bất cập về trang thiết bị, cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học. Cho đến nay, nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng, ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng giáo viên cũng còn nhiều khó khăn; đối với các môn giáo dục tích hợp và giáo dục tự chọn còn rất khó khăn đối với giáo viên về thời gian, kinh phí, năng lực…”, đại biểu nói.

Đại biểu cho biết, những nội dung này đã được phản ánh trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa khắc phục hoặc khắc phục còn rất hạn chế. Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng với ngành Giáo dục cần phải vào cuộc để khắc phục những vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) phát biểu tranh luận. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) phát biểu tranh luận. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đối với lĩnh vực y tế, tranh luận với ý kiến cho rằng cần đầu tư cho y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho rằng, làm theo cách cũ thì sẽ quá dàn trải và không hiệu quả. Đại biểu đề xuất, cần đầu tư nguồn lực tập trung cho y tế tuyến huyện do y tế tuyến này quản lý số lượng lớn bệnh nhân, người dân, trong khi hệ thống y tế xuống cấp nhiều cả về nhân lực và cơ sở vật chất.

“Qua tiếp xúc với lãnh đạo các cơ sở y tế tuyến huyện cho thấy dường như họ “đang bơi nhưng không có phao cứu sinh”. Bệnh nhân có điều kiện sẽ đi lên tuyến trên, những người ở lại là những người không có điều kiện, hoặc bệnh nặng. Cùng với đó là gánh nặng tự chủ của các bệnh viện”, đại biểu nói.

Từ đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Chính phủ tập trung hỗ trợ, đầu tư cho y tế tuyến huyện để các tỉnh mạnh dạn đầu tư. Bộ Y tế cần mạnh dạn đề nghị các bệnh viện trung ương phụ trách 1 hoặc 2 bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, qua đó nâng cao năng lực của y tế cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đặc biệt quan tâm tới công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cho biết, theo thống kê 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 24 vụ với 835 người bị ngộ độc thực phẩm (trong đó có 3 người tử vong). Đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm đường phố. Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chất lượng cung cấp của từng cơ sở bán hàng lưu động, đường phố.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-khac-phuc-nhung-van-de-con-ton-tai-trong-linh-vuc-y-te-giao-duc-667765.html