Cần công nghệ để chế biến sâu 30 triệu tấn đất hiếm

Sáng 4-6, tại kỳ họp thứ bảy, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, trữ lượng gần 30 triệu tấn đất hiếm đang đặt ra yêu cầu về công nghệ chế biến sâu trong nước.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) về công tác khai khoáng, sử dụng và quản lý đất hiếm, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm tương đối lớn, như bauxite khoảng 5,8 tỷ tấn, titan khoảng hơn 600 triệu tấn, đặc biệt là đất hiếm đạt khoảng 30 triệu tấn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Đề án điều tra cơ bản đánh giá trữ lượng tổng thể đất hiếm, sau khi hoàn thành sẽ báo cáo Thủ tướng. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định quan điểm, việc khai thác, chế biến cần tính đến chế biến sâu, chế biến tinh trong nước, phục vụ cho các ngành công nghiệp của Việt Nam, nhất là công nghiệp chip bán dẫn, hướng tới xuất khẩu.

“Trước đây, việc chế biến đất hiếm chưa được nghiên cứu tổng thể nên chưa có chế biến sâu; chưa thu hút đầu tư, liên doanh, chuyển giao công nghệ này… Việc điều tra cơ bản đánh giá trữ lượng tổng thể đất hiếm phải gắn với tiềm năng lợi thế công nghiệp của Việt Nam, đặt ra yêu cầu chuyển giao công nghệ chế biến sâu phục vụ cho đất nước”, Bộ trưởng nói và cho rằng, để làm tốt việc này, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường quản lý đất hiếm, tránh thất thoát tài nguyên, đặc biệt là với các mỏ phân tán trên bề mặt.

Trả lời đại biểu Lò Thị Việt Hà về dự trữ khoáng sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức thực hiện khoanh vùng khu vực khoáng sản chiến lược. Muốn dự trữ khoáng sản tại các khu vực này, cần điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản để từ đó có phân kỳ khai thác, chế biến, dự trữ; nhưng nguồn kinh phí dành cho công tác này còn chưa bảo đảm. Bộ trưởng đề nghị cần có thêm nguồn lực cho công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản chiến lược.

Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn Thái Nguyên) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn Thái Nguyên) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn.

Về chất vấn của đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn Thái Nguyên) về xử lý tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, theo Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định hướng dẫn của các bộ, ngành, hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý mạnh cho địa phương, đặc biệt là với vật liệu xây dựng. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan đã tăng cường kiểm tra, giám sát cùng các địa phương. Qua 5 năm, Bộ đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản với tổng số 933 lượt giấy phép, qua đó phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm, đã ban hành 258 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng.

Qua thanh tra, kiểm tra, các chủ dự án mỏ chủ yếu sai phạm về vượt công suất cho phép khai thác, khai thác ra ngoài ranh giới, hoặc khai thác nhưng không bảo đảm điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xử lý nghiêm các sai phạm này, nhất là với các sai phạm có tính liên tục, nối tiếp, cần thiết chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để điều tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Thời gian tới, dự thảo Luật Địa chất, khoáng sản sẽ phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương. Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý sớm việc khai thác khoáng sản sai phép, trái phép, tránh thất thoát tài nguyên.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-cong-nghe-de-che-bien-sau-30-trieu-tan-dat-hiem-668295.html